Quế
Tên tiếng Việt:
Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Nhục quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao)
Tên khoa học:
Cinnamomum cassia (L.) J. Presl.
Họ:
Long não (Lauraceae).
Công dụng:
Cảm lạnh, khó tiêu, ỉa chảy, sát trùng (Vỏ sắc hoặc ngâm rượu uống).
1. Mô tả
Cây to, cao 10 – 20m. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu. Lá mọc so le, dày cứng và dai, hình mác, dài 12 – 25cm, rộng 4-8cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, hơi có lông lúc còn non; gân 3, hình cung, nổi rõ ở mặt dưới, gân bên kéo dài đến đầu lá, gân phụ nhiều, song song; cuống lá to, dài 1,5-2cm, có rãnh ở mặt trên.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần đầu cành thành chùy dài 7-15cm; bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trăng, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ.
Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, có cạnh dài 1,2 – 1,3cm, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm. Mùa hoa: tháng 4-7; mùa quả: tháng 10-12.
Cây có cùng công dụng: Ngoài loài quế nêu trên, nhiều loài khác cũng được gọi là quế như quế quan, quế Thanh, quế rành.
- Quế quan (Cinnamomum zeylanicum Blume, C. verum J. S. Presl), tên khác : quế ống, quế Srilanca, quế khâu. Cây có kích thước trung bình. Cành non có 4 cạnh, hơi dẹt có lông nhỏ rải rác. Lá mọc đối hoặc gần đối (ít khi so le), hình bầu dục, gân lá 3 – 5, gồ lên ở cả hai mặt. Cụm hoa dài hơn lá; bao hoa dài 5-6 mm, màu vàng. Quả dài 1,3 – 1,7 cm, có đài tồn tại to. Mùa hoa quả: tháng 5-9.
- Quế Thanh (Cinnamomum loureirii Nees, C. obtusifolium Nees var. loureirii Perrot et Eberh.), tên khác : quế quỳ, de bầu, quế tử, quế lá tù, ngọc quế. Cây to, cành non có cạnh, có lông, sau nhẵn. Lá thuôn đến mác thuôn, có mũi nhọn mềm, mặt dưới phủ vảy nhỏ, gân bên không kéo dài đến đầu lá, gân phụ mờ. Hoa trắng, bao hoa đài 3 mm. Quả dài 8 – 10mm, đài tồn tại nhỏ.
- Quế rành (Citinamomum burmannii (Nees) Blume), tên khác: quế bì, quế xanh, trèn trèn, quế lợn, âm hương. Cây có dạng đẹp, vỏ nhẵn, màu xám. Lá thuôn, màu lục sẫm ở cả hai mặt. Cụm hoa ngắn, mảnh. Quả gần hình cầu, có mũi nhọn. Mùa hoa: tháng 7.
2. Phân bố, sinh thái
Cinnamomum Blume là một chi lớn gồm khoảng 270 loài, hầu hết là cây gỗ; phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Ấn Độ có 20 loài; Trung Quốc 12 loài và Việt Nam 40 loài. Ở Việt Nam, nhiều loài mang tên quế, trong đó, có 3 loài là cây trồng, còn lại là mọc hoang dại.
Quế cũng được trồng ở một số tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Quế có nguồn gốc ở Việt Nam, cách đây khoảng hơn 2000 năm, các triều đại phong kiến đã coi “quế Giao Chỉ” (Giao Chỉ là tên nước Việt cổ) như là sản vật quý để trao đổi và triều cống (Lê Trần Đức, 1990). Song, hiện nay vẫn chưa xác định cụ thể cây được trồng từ bao giờ. Nhiều vùng quế đã được hình thành từ lâu đời ở Yên Bái; Quảng Ninh; Thanh Hoá (Thường Xuân); Quảng Nam (Trà My, Phước Sơn) và Quảng Ngãi (Trà Bồng)… Quần thể quế mọc hoang dại được phát hiện trong các kiểu rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay tương đối nguyên sinh ở độ cao 500 m (miền Bắc) – 700m (miền Nam) trở lên. Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc và trổng trọt lâu dài, giữa quế mọc tự nhiên và các giống quế trồng hiện có nhiều sai khác về phẩm chất dược liệu.
Quế là cây gỗ ưa sáng và chịu bóng, nhất là thời kỳ cây còn nhỏ (1-5 năm). Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình năm cho cây sinh trưởng phát triển mạnh là 22 – 23°C; độ ẩm không thí trung bình khoảng 80%; lượng mưa hàng năm khoảng 1.600 mm hoặc hơn. Cây mọc được trên nhiều loại đất ẩm, nhiều mùn và tơi xốp, pH : 4,5 – 5,5. Quế có bộ rễ cọc khoẻ, cắm sâu xuống đất nên ít bị đổ khi có gió bão.
3. Cách trồng
Quế được trồng từ lâu ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Cây có thể nhân giống được bằng hạt, chiết cành hoặc tách mầm. Hiện nay, phương pháp nhân giống bằng hạt qua vườn ươm là chủ yếu. Hạt giống quế cần lấy ở cây 15-20 năm tuổi, mọc tốt tán lá đều, quả.mập và sai. Khi quả chín được 1/3, vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu tím thì thu hái. Nên lấy quả ở những cành cách ngọn cây 1m trở xuống. Quả lấy về cần ủ 2 – 3 ngày cho chín đều, sau đó đem xát bỏ thịt quả, đãi lấy hạt.
Hạt quế mất sức nảy mầm rất nhanh, không chịu được điều kiện bảo quản khô. Vì vậy, cần gieo ngay khi mới thu hái. Nếu chưa gieo ngay, phải bảo quản trong cát ẩm bằng cách trải 1 lớp hạt, 1 lớp cát trong góc nhà nơi thoáng mát. Hàng ngày đảo hạt một lần, loại bỏ hạt thối. Cần giữ cát luôn luôn ẩm ở mức khi dùng tay nắm cát rồi xoè ra, cát vẫn tơi.
Chú ý không giữ hạt lâu quá 2 tuần. Trước khi gieo, hạt cần được xử lý trong nước 40 – 45°C trong 6 giờ, loại bỏ hạt nổi, rửa sạch, để ráo nước, ủ trong cát ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo vào bầu. Bầu cao 12 – 13 cm, đường kính 6-7 cm, thành phần giá thể gồm 85 – 89% đất, 10 -14% phân chuồng mục và 1% supe lân. Bầu được xếp thành luống, trên làm giàn che với độ che phủ khoảng 50%. Cũng có thể gieo hạt trên luống ở vườn ươm. Hạt gieo sâu 2 cm, cách nhau 20 cm, phủ một lớp đất mỏng và làm giàn che như trên. Sau khi gieo 15 ngày, hạt nảy mầm. Khi cây được 3-5 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân vô cơ. Có thể bón theo tỷ lệ 2:2:1 (30g amoni sulfat + 40g supe lân + lOg kali clorur) hoặc 3:3:1 (45g amoni sulfat + 60g supe lân + lOg kali clorur), hoà phân với nước tưới cho 1m2. Chú ý giữ ẩm và làm cỏ thường xuyên. Sang thu, cây đã cao 25 – 30 cm, có thể dỡ dần giàn che. Cây quế con nuôi trong vườn ươm 1 năm, được bứng đi trồng vào mùa xuân năm sau. Trưòng hợp cây con không gieo trong bầu mà gieo ờ luống, nếu không bứng được cả đất, có thể nhổ cây lên, cắt bớt rễ cọc, nhúng vào dung dịch phân bón một đêm, rồi đem trồng cũng đạt tỷ lệ sống cao (90%).
Các phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành và tách mầm) tuy có hệ số nhân thấp, nhưng có ưu điểm quan trọng là duy trì được những đặc tính tốt của cây mẹ. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất quế, nhất là trong tình hình hiện nay, ở nhiều nơi quế có hiện tượng thoái hóa và tính chống chịu bệnh giảm. Sau khi chọn lọc, việc nhân giống quế không thể thực hiện được bằng con đường nhân hữu tính. Khi chiết quế, chọn cành có đường kính 1,5 – 2cm, mọc thẳng để tiến hành theo phương pháp chiết thông thường. Chiết vào tháng 8 – 9, đến tháng 2-3 năm sau, đã có thể cắt đi trồng.
Quế có khả năng tái sinh khá mạnh. Sau khi thu vỏ, cây quế được chặt sát gốc, sẽ sinh nhiều chồi non. Để lại một chồi, tiếp tục chăm sóc để sau này thu vỏ. Còn những chồi khác, chọn những chồi mọc từ rễ ngang gần mặt đất, tách lấy cả đoạn rễ mang đi trồng. Quế ưa đất rừng có lớp đất mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước, độ pH 4 – 5, độ dốc không quá 35%, độ cao trên 400 m, nhiều ánh sáng và khuất gió. Khi trồng, đào hố 30 x 30 x 30 cm. Nếu có điều kiện nên bón lót 5 – 7 kg phân chuồng, phân xanh ủ mục. Quế thường được trồng xen với mía, sắn hoặc chè vối khoảng cách 2 x 5 m hoặc tùy theo yêu cầu của cây trồng xen. Đây là những mô hình có giá trị kinh tế cao. Khi chăm sóc cho cây trồng xen cũng đồng thời chăm sóc cho quế. Nếu không trồng xen, khoảng cách trồng là 2 x 2 m, mật độ khoảng 2500 cây/ha. Trong trưòng hợp này, cần làm cỏ, phát quang, xới đất, vun gốc cho quế trong 4 năm đầu. Những năm sau, cần phát dây leo, cây bụi hàng năm hoặc 2 năm một lần.
Bệnh đáng kể nhất của quế là bệnh tua mực, tức là cây bệnh bị chảy nhựa ra trông giống như tua con mực. Chưa rõ nguyên nhân, chỉ biết, quế trồng ở độ cao trên 400m ít và trên 700m hầu như không mắc bệnh này. Cây quế nhân giống bằng phương pháp vô tính sau 6-7 năm cho thu hoạch, nhưng trồng bằng hạt phải sau 20 năm. Trong quá trình nuôi dưỡng, cần tỉa thưa 2 lần. Đối với cây trồng từ hạt, tỉa thưa lần thứ nhất vào tuổi 8-10, lần thứ hai vào tuổi 15. Cây trồng bằng chiết cành hoặc chồi thì tùy tình hình sinh trưởng của cây mà tỉa cho phù hợp. Cây dễ tái sinh liền chân không cần tỉa. Cường độ tỉa khoảng 30 đến 50% số cây. Trung bình mỗi hecta cho 5 tấn quế vỏ và 7 tấn quế chi.
4. Bộ phận dùng
Vỏ thân, vỏ cành non được phơi hoặc sấy khô (Quế chi). Vỏ thân được phơi khô trong bóng râm (Quế nhục). Tinh dầu từ cành hoặc lá.
5. Tác dụng dược lý
Tinh dầu quế chứa cinnamaldehyd là thành phần chủ yếu có tác dụng diệt khuẩn in vitro đối với một số vi khuẩn ở độ pha loãng cao. Tác dụng kháng khuẩn đối với các giống vi khuẩn khác nhau, theo thứ tự hoạt tính giảm dần : Salmonella typhi, tụ cầu vàng, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis, Candida albicans, Shigella ßexneri, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn lao, Sh. dysenteriae, phế cầu khuẩn. Tác dụng mạnh đối với phẩy khuẩn tả, nồng độ ức chế tối thiểu đối với các giống phẩy khuẩn tả Eltor, Inaba và Ogawa là 2/10.000. Tác dụng diệt Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế tối thiểu 1/2.560. Còn có tác dụng ức chế cả đối với siêu vi khuẩn. Tác dụng ức chế tương đối yếu hơn đối với các giống vi khuẩn : Sh. shigae, Sh. sonnei, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh. Tinh dầu quế có tác dụng diệt nấm với Trichophyton mentagrophytes. Hoạt chất cinnamaldehyd có tác dụng với Microsporum audouini, Aspergillus nidurans, Cryptococcus neoformans, Penicillium rugulosum, Sporothrix schenckii, Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes T.violaceum, Microsporum gypseum, Histoplasma capsulation và Blastomyces dermatitidis; tác dụng ứcc chế chủ yếu do phản ứng của aldehyd với các nhóm thiol tham gia vào sự sinh trưởng của nấm.
Cinnamaldehyd tác dụng hiệp đồng vói natri clorid. Cinnamaldehyd có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt và có tác dụng đối kháng với hoạt động vận động gây bởi apomorphin hoặc methamphetamin ở chuột nhắt, có tác dụng kéo dài giấc ngủ gây bởi hexobarbital, tác dụng hạ nhiệt và chống sốt ở chuột nhắt. Tác dụng ức chế và kích thích trung tâm của cinnamaldehyd có thể do tương tác với các nơron đáp ứng với monoamin ở hệ thần kinh trung ương, và có vai trò quan trọng trong tác dụng điều trị của vỏ thân hoặc cành quế.
Ở chó và chuột lang gây mê, cinnamaldehyd có tác dụng hạ áp, có thể chủ yếu do giãn mạch ngoại biên. Sự giãn mạch này vẫn tồn tại ỏ chó sau khi huyết áp đã phục hồi. Trên hồi tràng chuột lang cô lập, có tác dụng chống co thắt cơ trơn gây bởi acetylcholin và histamin, và cũng có tác dụng trực tiếp trên cơ trơn và gây giãn kiểu papaverin. Trên tim chuột lang cô lập, cinnamaldehyd làm tăng lực co cơ và nhịp tim, tuy vậy việc dùng nhắc lại dẫn đến giảm dần những tác dụng này và ức chế tim. Cinnamaldehyd gây giải phóng catecholamin từ tuyến thượng thận của chó, tác dụng tăng lực co cơ và nhịp tim trên tim chuột lang cô lập được truyền dịch có lẽ do giải phóng catecholamin nội sinh.
Cao nước quế cho chuột cống trắng bị viêm thận uống có tác dụng dự phòng sự tăng nồng độ protein trong nước tiểu, nhung không ảnh hưởng trên sự phục hồi của thiếu máu gây bởi mất máu cấp tính, và trên số lượng bạch cầu và tế bào lympho. Tác dụng chặn miễn dịch được quy cho cao này. Tiêm phúc mạc cao nước quế cho chuột cống trắng với liều 100 mg/kg có tác dụng dự phòng loét do stress khi để chuột trong bầu không khí lạnh (3 – 5°C), hoặc ngâm trong nước. Cao này cũng ức chế mạnh loét dạ đày do tiêm dưới da serotonin cho chuột cống trắng, và làm tăng lưu lượng máu ở niêm mạc dạ dày, cho thấy tác dụng chống loét của quế là do ức chế những yếu tố tấn công và tăng cường những yếu tố bảo vệ.
Tinh dầu quế và cao quế còn có tác dụng chống chứng huyết khối, chống viêm, chống dị ứng, làm tăng lượng protein toàn phần và gamma – globulin trong máu và làm giảm tỷ lệ vỡ dưỡng bào do nhỏ dung dich noc rắn mang bạnh lên mạc treo ruột hoặc do tiêm tĩnh mạch nọc rắn cho chuột lang. Cinnamaldehyd với nồng độ 4,8 ug/ml ức chế sự phát triển của tế bào bệnh bạch cầu L1210 trong nuôi cấy 50%. Tác dụng ức chế này được quy cho nhóm aldehyd của cinnamaldehyd. Chất này ức chế sự phát triển của khối u VV2K-11 gây bởi SV40 ở chuột nhắt trắng và cũng được thử nghiệm về hoạt tính chống đột biến đối vối các chất hóa học gây đột biến hoặc chiếu tia tử ngoại. Liều chết LD50 của cinnamaldehyd trên chuột nhắt trắng bằng đưòng tiêm tĩnh mạch là 132 mg/kg; tiêm phúc mạc : 610 mg/kg; đường uống : 2.225 mg/kg. Nồng độ tinh dầu quế tiêu diệt 100% trong thử nghiệm in vitro trên 2 chủng Trichomonas vaginalis nuôi cấy trong môi trường là 50 ng/ml.
Đã điều trị 58 trường hợp viêm khớp dạng thấp bằng bài thuốc trong có quế chi và một số dược liệu khác. Kết quả điều trị cho thấy thuốc có tác dụng làm ổn định giảm viêm, tác dụng chậm nhưng bền vững. Kết quả tốt nhất trong trường hợp chức năng khớp còn tổn thương ít. Một chế phẩm thuốc cổ truyền Nhật Bản có quế và 7 dược liệu khác được coi là có tác dụng chống xơ cứng động mạch, đã được trộn với cholesterol và cho động vật uống. Thuốc đã có tác dụng ngăn chặn sự tăng cholesterol toàn phần, phospholipid và colagen trong máu và phòng ngừa sự phát triển xơ vữa động mạch do tăng lipid máu ở động vật thí nghiệm.
Một thuốc cổ truyền Nhật Bản khác gồm 10 dược liệu trong đó có quế, có nhiều hoạt tính kích thích miễn dịch. Cao chiết với nước nóng của vỏ quế có tác dụng hoạt hóa bổ thể mạnh. Quế bì có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền Trung Quốc được đùng để điều trị các bệnh viêm mạn tính và các bệnh tự miễn dịch. Trên thực nghiệm, bài thuốc này tăng cường tính kích thích miễn dịch của một số hóa dược kích thích miễn dịch như phorbol myristat acetat phytohemagglutinin.
Một bài thuốc bổ dương Trung Quốc gồm quế và phụ tử có tác dụng làm tăng lượng adenosin cyclic monophosphoric acid (có vai trò trong điều hòa sự vận chuyển điện giải và nước trong cơ thể) trong huyết tương chuột đã gây thiểu năng thực nghiệm tuyến giáp hoặc vỏ thượng thận. Một bài thuốc cổ truyền Trung Quốc khác được dùng chữa bệnh phụ khoa trong đó có quế và một số dược liệu khác, đã có tác dụng đối kháng với Iuteotrophin và kháng oestrogen yếu trong thực nghiệm trên động vật.
Một tài liệu cho biết 3 loài quế : c. cassia, c. ỉoureirii và c. zeylanicum có tác dụng chống đái tháo đường. Chất acid hydroxyphenyl propanoic phân lập từ vỏ quế bì và glucosid của nó có tác dụng phòng ngừa loét dạ dày gây bởi serotonin ở chuột cống trắng.
6. Tính vị, công năng
Quế có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính rất nóng, có tác dụng bổ hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích.
7. Công dụng
Quế được dùng làm thuốc cấp cứu bệnh do hàn như chân tay lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hóa kém, tả lỵ, thũng do tiểu tiện bất lợi, kinh bế, rắn cắn, ung thư. Ngày dùng 1- 4g dưới dạng thuốc hãm, hoàn tán hoặc mài vối nước mà uống. Kiêng kỵ : Những người âm hư, dương thịnh và phụ nữ thai nghén không nên dùng.
Theo tài liệu nước ngoài, vỏ quế bì được dùng trong y học Trung Quốc để chữa những chứng bệnh sau :
- Cảm lạnh, phối hợp với nhân sâm, hoàng kỳ, thục địa.
- Tiêu chảy, phối hợp với mộc hương, phục linh, nhục đậu khấu.
- Đau vùng hông, phối hợp vói phụ tử, địa hoàng.
- Đau đạ dày, đau bụng, đau kinh, phối hợp với đương quy, hương phụ.
- Mụn nhọt lâu lành, phối hợp với ma hoàng, cao nhung, bạch giới tử. Liều dùng mỗi ngày : 2 – 7,5g, sắc nước uống. Hoặc tán bột, mỗi lần uống 0,5 – 2g, ngày uống 1-2 lần.
Vỏ cành quế trị:
- Cảm mạo, sốt, ra mồ hôi, sợ lạnh, phối hợp với bạch thược, cam thảo, sinh khương, hồng táo.
- Phong hàn thấp, đau khớp, phối hợp với phụ tử, sinh khương, cam thảo.
- Tim hồi hộp, tức ngực, ho có đờm loãng, phối hợp với phục linh, bạch truật, cam thảo.
- Bế kinh đau bụng, thống kinh, phối hợp với xuyên khung, đương quy, ngô thù du, xích thược.
- Sốt rét, phối hợp với xuyên khung, bạch chỉ, thương truật. Liều lượng : ngày 2 -1 lg, dạng thuốc sắc.
Quế rành trị:
- Đau dạ đày do lạnh, tiêu chảy.
- Đau phong thấp.
- Vết thương phần mềm (dùng bột rắc vết thương). Liều dùng: mỗi ngày 2-11g, sắc nước uống. Còn dùng dạng bột, mỗi lần 1- 3g.
Quế Thanh chủ trị:
- Đau dạ dày, đau bụng do lạnh, uống dạng bột 1 – 2g.
- Loét dạ dày, hành tá tràng.
- Vết thương chảy máu, dùng bột rắc.
- Gãy xương, dùng bột làm thành hồ, bôi bên ngoài. Liều dùng: mỗi ngày 2 – 11g, dạng thuốc sắc. Hoặc dạng bột, mỗi ngày 1 – 2g.
Ở Ấn Độ, quế được dùng như sau :
- Quế Thanh được dùng làm gia vị. Lá có tác dụng gây trung tiện; chữa đau bụng và tiêu chảy, vỏ, đặc biệt là vỏ rễ, chữa khó tiêu và các bệnh về gan.
- Quế quan: vỏ được dùng rộng rãi làm gia vị. Nó là chất làm săn, kích thích, gây trung tiện, chữa buồn nôn, nôn mửa và được dùng làm chất bổ trợ trong những thuốc làm dễ tiêu. Nó có tác dụng kích thích cục bộ mạnh nên đôi khi được dùng trong đau dạ dày, đau bụng, đầy hơi và suy yếu cơ năng dạ dày.
Ở Nepal, quế được dùng với tác dụng long đờm trong một bài thuốc gồm 6 dược liệu để chữa viêm phế quản, khó thở. Ở Indonesia, người ta dùng quế rành cho thêm vào các thuốc uống để chữa ho có kèm theo nôn, bệnh phong, viêm nhiễm đường hô hấp, lao, nhức đầu, đau vùng thượng vị.
Nam Y Dược Phú Tuệ trên Facebook tại đây
Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.
Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây