BẠC HÀ

Mentha arvensis L. 

Tên khác: Bạc hà nam, nạt nậm, chạ phiéc hom (Tày)

Tên đồng nghĩa: Field mint, coro mint, japanese mint, japanese pepperminit (Anh); menthe champetre, menthe des champs, baume des champs, pouliot thym (Pháp)

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm. thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, màu xanh lục hoặc tím tía, đôi khi phân nhánh. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống ngắn, mép lá khía rang đều.

Hoa nhỏ màu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tu tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa, lá bắc nhỏ, hình dùi, đài hình chuông có 5 răng đều, tràng có ống ngắn, phiến trắng chia làm bốn phần gần bằng nhau, có một vòng lông ở phía trong, 4 nhị bằng nhau, chỉ nhị nhẵn.

Quả bé, có 4 hạt (ít gặp). Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.

Mùa hoa quả vào tháng 7-10

Chủng BH.974 (cùng loài Mentha arvensis) được phát triển mạnh. Chủng này có hiệu suất cây trồng và tinh dầu cao hơn, chất lượng tinh dầu cũng tốt hơn.

 

Bộ phận dùng

Dipartimento di Scienze della Vita, Università di Trieste – Progetto Dryades – Picture by Andrea Moro – Image licensed under a Creative Commons Attribution Non Commercial Share-Alike 3.0 License

Lá (thu hái vào thời kỳ ra hoa) và các bộ phận trên mặt đất.

Tinh dầu cất từ lá và các bộ phận trên mặt đất đã được tinh chế.

Thành phần hóa học

Ở Việt Nam, bạc hà có nhiều chủng loại mọc hoang dại ở một số vùng cao, lạnh. Có dạng thân xanh lục, dạng thân tím. Các chủng loại này chưa được khai thác sử dụng. Nhiều chủng giàu menthol (80-90%) được di thực vào Việt Nam và được gọi bằng các ký hiệu BH 974, 975, 976, Đài Loan… Chúng đã được trồng từ nhiều năm nay ở quy mô đại trà để phục vụ cho nhu cầu trong nước chủ yếu là chủng BH 974.

Bạc hà tím Việt Nam trồng ở Mondovi cho hàm lượng tinh dầu là 1.82% (1980), 3% (1981-1982) bao gồm 32 thành phần trong đó đã xác định

alpha-pinen 0,41%, (-) menthol 10,1%, beta – pinen 0,72%, menthyi acetatl 1,6%, myrcen 0,47%, (-) pulegon 24,9%, limonen 4.5%, piperiton 4%, p. cymol 0,09%, piperiton oxyd 16%, octanol – 33,2%, piperitcnon oxyd 21,5%, menthol 5,89% .

Tinh dầu là hoạt chất chính với hàm lượng 0,5% (Dược điển Việt Nam II, tập 3), là 0,8% (Dược điển Nhật Bản X), 1% (Dược điển Liên Xô X, Dược điển Pháp IX). Chất lỏng không màu hay màu vàng nhạt, có mùi bạc hà đặc biệt, vị cay, sau mát.

Với tinh dầu bạc hà giàu menthol (trên 70%), có thể chiết xuất một phần menthol, tinh dầu còn lại vẫn đạt tiêu chuẩn dược điển. Nguyên tắc chiết xuất là làm lạnh tinh dầu từ từ ở nhiệt độ 14 độ C, rồi đến 10 độ, 5 độ. Nên để tinh dầu ở mỗi mức độ lạnh thấp dần (14,10,5 độ C) 1-2 lần, mỗi lần 1-2 ngày. Khi thấy menthol không kết tinh thêm, mới đưa xuống nhiệt độ lạnh hơn. Lọc menthol phải được tiến hành ở nhiệt độ thấp. Menthol thu được đem rửa nhiều lần bằng nước lạnh để loại hết tinh dầu còn dính lại. Cần tập trung nước rửa này để thu hồi tinh dầu. Hong khô menthol tự nhiên trên khay ở nhiệt độ 25-26 độ C. Menthol thu được đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam II.

Tác dụng dược lý 

Tinh dầu bạc hà và menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong trường hợp đau dây thần kinh, còn có tác dụng sát khuẩn mạnh. Thường dùng trong những trường hợp ngứa của một số bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng. Đối với trẻ em ít tuổi, tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi hay cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Người ta đã nhận xét thấy một số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu menthol 1%, hoặc bôi niêm mạc mũi mỡ có menthol. Do đó, cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu bạc hà hay dầu củ là cho trẻ con ít tuổi, nhất là trẻ mới đẻ.

Bạc hà, tinh dầu bạc hà hay menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê hết phản xạ và ngăn cản sự lên men bình thường trong ruột. Bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn trong thí nghiệm in vitro đối với các chủng vi khuẩn tả Vibrio cholerae Eltor, Vibrio cholerae Inbaba, Vibrio cholerae Ogawa. Tinh dầu bạc hà có tác dụng ức chế thần kinh trung ương có thể gây tê liệt thần kinh do tác dụng chủ yếu của menthol.

Tinh dầu bạc hà làm giảm sự vận động và chống sự co thắt của ruột non. Các chất menthol và menthon ức chế sự vận động của đường tiêu hóa từ ruột trở xuống và có tác dụng làm giãn mao mạch.

Tính vị, công năng

Bạc hà có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng phát tán phong nhiệt, hóa đàm hạ tích, tiêu sưng chỉ ngứa.

Công dụng

1. Bạc hà trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, ho, viêm họng sưng đau, mắt đỏ, ngứa nổi mề đay, bụng đau, đầy trướng, tiêu hóa kém, nôn mửa. Thường dùng phối hợp với nhiều thuốc khác.

2. Bạc hà dùng làm cho thuốc thơm dễ uống và chữa đau bụng đi ngoài.

3. Tinh dầu bạc hà và menthol có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau, như khớp xương, thái dương khi nhức đầu.

4. Cây khô bạc hà được dùng làm thuốc chống co thắt, gây trung tiện, tống hơi trong ruột ra, làm dễ tiêu, làm lạnh, gây tác dụng kích thích, điều kinh, lợi tiểu.

5. Nước hãm lá bạc hà dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu. Tinh dầu bạc hà đã loại menthol được dùng làm thơm nước súc miệng, kem đánh răng và các dược phẩm.

Liều dùng:

– Lá và toàn cây bạc hà, ngày uống từ 4-8g dưới dạng thuốc hãm.

– Tinh dầu và menthol: một lần 0,02-0,2ml, một ngày 0,06-0,6mk

Còn dùng dưới hình thức cồn (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 -15 giọt, cho vào nước nóng uống.

Kiêng kỵ: người gầy yếu, suy nhược toàn thân, táo bón, huyết áp cao, trẻ em dưới một tuổi không nên dùng.

Bài thuốc có bạc hà: 

1 Thuốc chữa nôn, thông mật, giúp tiêu hóa:

Lá hay toàn cây bạc hà bỏ rễ (5g), pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống một lần. Có thể dùng cồn bạc hà theo công thức kể trên để uống thay, mỗi lần 5-10 giọt hay hơn.

2 Chè cảm mạo chữa nhức đầu

Lá bạc hà (6g), kinh giới (6g), phòng phong (5g), bạch chỉ (4g), hành hoa (6g). Đổ nước sôi vào, hãm 20 phút, uống lúc đang nóng.

 

Tương tác qua Facebook Tại đây

Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.