Y án Đại hãn dương vong

Đây là một y án mà có lẽ lâu nay, ở thời đại này, hiếm người làm YHCT dám đụng chạm vào. Bởi vì, sự nghiệp dễ bị tiêu tan, thân thể dễ bị “bóc lịch”. Đạo Y thì không cho phép suy tính tới những điều ngoài mục đích cứu, chữa người bệnh. Nhưng mấy ai đạt đến cảnh giới “quên thân mình” đi hẳn của Đạo Y đâu.

Người bệnh nữ, tuổi vừa mãn kinh. Sốt cao dai dẳng nhiều ngày. Nhập viện TƯ (nơi có người em làm trưởng khoa) điều trị đâu khoảng 1 tháng, vẫn sốt, người mệt lả, kiệt quệ. Chuyển vào TP.HCM, qua 3 viện đầu ngành, mỗi nơi vài ba tuần, tình trạng sốt vẫn thế và càng thêm mệt hơn. Đành phải “cho về quê”, sống – chết tại giời. Điều kì lạ là, tất cả các viện đã làm hết các biện pháp, tuyệt nhiên không tìm ra lí do/nguyên nhân gây sốt, cũng không có bệnh lí hiểm nghèo, mạn tính gì hết.

Một buổi tối, người em làm CA (hồi ý, tôi chỉ chơi với anh, em cùng lực lượng vũ trang là chính, hiếm khi giao du với dân sự) chát và gọi điện kể lể tình trạng của chị cho tôi biết. Rồi kêu là, hết cách rồi, giờ ở nhà tổ chức cúng bái và chuẩn bị ma chay sẵn rồi. Liệu anh có cách cứu chị em không!?

Tôi bảo xin nghỉ trực trong đêm, chạy về nhà, gọi video để tôi nhìn thấy và nói chuyện với người bệnh xem cụ thể như nào? Người bệnh không còn sức, chỉ thều thào qua loa với tôi vài câu, rồi khóc, “chú cứu O với!”

Tôi dặn người em, trước nhất nói người nhà khoan hẵng bàn tán chuyện ma chay, mời những người cúng queng về. Những ai có suy nghĩ “chết”, không cho lại gần chăm sóc, không cho tới thăm nom kiểu lần cuối. Huy động trẻ con dưới 12 tuổi trong gia đình, họ hàng tích cực đến quây quần vui chơi hàng ngày. Tẩy uế nhà cửa sạch sẽ, mở cửa thoáng đãng, thông gió, để người bệnh nằm chỗ cửa kính có thể nhìn thấy nền trời, vườn tược, chim chóc bên ngoài. Chỗ này có 2 ý liên hệ đến tâm, thân bệnh và mệnh.

Liên hệ đến tâm, thân bệnh. Tinh thần người bệnh đã suy kiệt hết mức, nghĩ, suy tưởng đến sự chết nhiều hơn mong cầu sống, không ít lần tỏ ý được chết nhanh cho nhẹ nợ. Một khi đã không đoái hoài đến sự sống, không còn thèm muốn, khát khao được sống, hành vi thờ ơ bất cần đời, thì thuốc thang, chữa chạy chẳng hữu dụng bao nhiêu. YHCT kêu là mất thần. Mọi biện pháp, lời nói, sự động viên, khuyến khích… thông thường không có tác dụng với người bệnh nữa. Dù bên ngoài, họ có thể vẫn bộc bạch, thể hiện ý chí, nghị lực muốn vượt qua bạo bệnh, nhưng nội tâm họ hoàn toàn ngược lại. Do đó, phải dùng các cảnh trí sống động, tích cực, hấp dẫn sự sống tác động qua các giác quan, giúp nội tâm tự thay đổi chiều hướng. Các cảnh trí dặn dò đều có tính dương, hàm chứa năng lượng rất tích cực, phù hợp với điều kiện sống của người bệnh.

Liên hệ đến mệnh. Giả như thuốc thang không kịp, đến lúc ra đi, thì nhờ cảnh trí mà ở trạng thái bình yên, êm ái, thanh thản, nhẹ nhàng, mãn nguyện rũ bỏ sạch sẽ bụi trần. Đây phù hợp với quy tắc của thầy thuốc YHCT và cũng phù hợp với sứ mệnh điều dưỡng của YHHĐ là, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh đến lúc trút hơi thở cuối cùng được an vui, nhẹ nhàng, mãn nguyện. 2 nền y học tuy khác nhau, nhưng nhiều quan điểm tương đồng.

Tôi cắt 10 thang thuốc gửi vào ngay trong đêm, dặn dò cách uống, triệu chứng khi dùng thuốc (để không bị hoảng sợ). Uống được 3 thang qua được 3 ngày là sống, 5 ngày giảm sốt nhiều (về cường độ và cơn sốt), 10 ngày khoẻ lên chút, đi lại được, có sức, thì đưa ra HN, tôi điều trị tiếp.

Tiến trình đáp ứng thuốc và diễn tiến không khác tiên lượng, nhưng mới ngày thứ 5, người bệnh đã quyết liệt đòi ra HN. Tôi phân vân, lưỡng lự, vì cho rằng với sức khoẻ và tình trạng như thế, ngồi xe hơn 10 giờ, có thể chết dọc đường hoặc ngay khi vừa tới phòng khám. Người bệnh vẫn cứ đi ra bằng đường bay.

Ban đầu, hãng hàng không không cho bay, những người hộ tống phải kí cam kết tự chịu hoàn toàn trách nhiệm với hãng nếu người bệnh chết trên máy bay, họ mới cho bay. Đây là tôi nghe được qua các cuộc điện thoại nói chuyện của người nhà với nhau mới biết.

Khoảng 19 giờ, người bệnh tới phòng khám tôi, 3-4 người khiêng vào. Sau quãng đường dài, người bệnh như lịm hẳn đi, cố lắm mới nói năng thều thào vài ba câu và câu chốt vẫn là, “chú cứu O với!”. Do đã nắm được tương đối tình trạng của người bệnh và tiên lượng được biến chuyển xấu sau hành trình, trước khi người bệnh tới, tôi đã ra xong phác đồ cấp cứu bằng cứu và châm. Phân công các bác sĩ phụ trợ đồng thời thực hiện và căn dặn, nếu lúc mình đang cứu, châm, mà người bệnh tử vong, thì cứ lẳng lặng đi ra ngoài, mọi trách nhiệm để anh ghánh cho.

Người bệnh bắt đầu vào trạng thái lơ mơ, mê mê tỉnh tỉnh, buông lỏng toàn thân (vô lực hoàn toàn), khó khăn lắm mới nghe được mạch li ta li ti, hơi thở phập phồng thoi thóp. 5 người y, bác sĩ chúng tôi lẳng lặng thao tác, ai làm việc nấy như đã được phân công. Những người nhà xúm quanh, điện thoại của ai cũng đổ chuông liên tục để trao đổi tình hình với người khác. Lại gọi thêm cả những người thân khác ở HN đến luôn “cho kịp nhìn mặt lần cuối”. Ôi…!

Phòng khám tôi còn đang sửa chữa, chưa chính thức đón tiếp người bệnh, mất điện, phải thắp nhiều nến, bật đèn pin điện thoại soi rọi. Tôi nghe loáng thoáng những cuộc hội thoại của người nhà, toàn người làm CA, toà án, có người còn thũng thẵng cả còng số 8 bên hông (do đi thẳng từ cơ quan tới). Không biết là do lo lắng, hồi hộp, căng thẳng hay gì, nhưng chả ai nói câu nhã ý hay nở 1 nụ cười xã giao nào với chúng tôi cả. Sau nhớ lại cảnh đó, tôi tự hỏi rằng, nếu người bệnh ra đi lúc chúng tôi đang thao tác, có khi nào tay mình bị tra vào còng số 8 và dẫn đi luôn không? Vì, giữa tôi và người bệnh cũng như người nhà chưa hề có thoả thuận, kí tá giấy tờ gì, bệnh án cũng chưa làm hoàn chỉnh (cấp cứu mà). Tức là mình sai mười mươi về mặt thủ tục hành chính rồi.

May thay, sau khi thực hiện cứu và châm, người bệnh hồi tỉnh lại, mở miệng nói chuyện được nhiều hơn, mạch đập nghe rõ ràng hơn. Tôi chỉ cho 1 người nhà ở lại chăm sóc, rồi lẳng lặng đi nấu cháo cho người bệnh ăn.

Bởi vì phòng khám tôi đang sửa chữa và không được phép lưu trú người bệnh, tôi bàn với người nhà là đưa người bệnh nhập viện cho tiện nghi, đầy đủ, dễ dàng cấp cứu khi tình huống xấu xảy ra. Phác đồ chính điều trị, tôi sẽ phối hợp với bệnh viện. Tôi đã liên lạc với 1 viện YHCT top đầu TƯ, nhờ các anh ấy giúp đỡ và được đồng ý nhiệt tình. Thế nhưng, người bệnh khóc lóc, rên rỉ, xin đừng chuyển lên viện, lên viện là chết, vì đã đi quá nhiều viện, quá sợ hãi rồi, thà chết ở nhà cũng không đi nữa. Cuối cùng, tôi phải hứa là ngày nào cũng tới thăm khám, trực tiếp điều trị, bệnh viện chỉ là chỗ nằm thôi, người bệnh mới đồng ý.

Ở viện 2 hay 3 tuần gì đó, người bệnh khoẻ hơn, giảm sốt nhiều, có mấy ngày liền không hề có cơn sốt, uống thêm cả thuốc sắc của bệnh viện nữa. Những ngày cuối ở viện, người bệnh không uống thuốc của tôi đưa lên hàng ngày, chỉ uống thuốc của viện thôi. Sáng xuất viện, người bệnh gọi điện cám ơn và chào tôi, để về nhà, vì thấy đã bớt sốt nhiều rồi. Chiều tối lại thấy khiêng đến phòng khám tôi, trong tình trạng sốt đùng đùng, lúc sốt nóng, lúc sốt rét, tứ chi lạnh, mệt lả, thở không ra hơi. Ôi…!

Lúc này, tôi mới biết là đã tự ý dừng thuốc của tôi được mấy ngày rồi, do bs ở viện chỉ định dừng. Tôi từ chối điều trị tiếp, bảo người bệnh là quay lại viện xin điều trị tiếp cho dứt điểm, vì ở đó cũng đã có phác đồ điều trị đáp ứng rồi cơ mà. Lại khóc, lại xin không đến viện nữa và hứa sẽ không tự ý dừng thuốc, không làm trái y lệnh của tôi. Chả lẽ lại đuổi về ư? Phải nhận điều trị tiếp thôi.

Tôi hỏi người nhà là viện cho những thuốc gì mang về? Người nhà đưa ra 1 bọc toàn thuốc kháng sinh, kháng viêm, riêng hạ sốt những 2-3 loại. Tôi không nói gì, chỉ cầm bọc thuốc bỏ vào thùng rác.

Tôi điều trị ngay đêm đó đã cắt sốt hoàn toàn, 5 ngày tiếp không sốt, chân tay bắt đầu ấm dần, lấy lại cảm giác (trước đó tê liệt), có sức và tự tập đi, đi bộ được từ khách sạn đến phòng khám mỗi ngày 2 buổi để châm cứu. Theo dõi thêm mấy ngày nữa, các chứng và sức khoẻ cải thiện hơn rất nhiều, người bệnh cười nói vui vẻ, trò chuyện nhiệt tình. Tôi bảo, ngày mai cho về nhà chuẩn bị đón Tết, sống rồi. Chỉ phải uống thuốc vài ba tháng nữa, để phục hồi sức khoẻ hoàn toàn sau thời gian dài bệnh nặng, hư lao, kiệt quệ hết cả rồi. Về nhà ráng tập đi lại, làm việc nhẹ nhàng, đi chợ chơi, đi đến nhà bà con chơi thật nhiều, tinh thần vui vẻ, thoải mái, không được u uất, nghĩ quẩn.

21h hôm đó, người nhà gọi điện cho tôi nói hốt hoảng, người bệnh tự dưng hôn mê rồi! Tôi bỏ chiếc bánh mì ăn dở (bữa tối của tôi lúc đó), vội cầm hộp kim chạy sang khách sạn. Thấy người bệnh nằm li bì, hỏi không nói được, mồ hôi ướt đầy giường. Sau khi châm, cứu, người bệnh tỉnh lại, tôi gắt gỏng nạt luôn: Chị uống thuốc Tây hạ sốt giấu em đúng không? Người bệnh khăng khăng khẳng định là không uống, lại khóc. Nhưng mà lúc đứng dậy khỏi giường, tôi nhìn thấy 2 vỉ thuốc hạ sốt dưới gối, mỗi vỉ mất 2 viên. Tôi không nói gì, cầm 2 vỉ thuốc và gọi người nhà ra ngoài, mắng mỏ 1 trận nên hồn. Anh người nhà bảo là, do tiếc thuốc đã mua, nên tự dưng chiều và tối hôm đó uống 2 liều, nghĩ là cho khoẻ hẳn, để mai về. Ôi…!

Lại phải giữ lại điều trị 2-3 hôm nữa và cương quyết dặn rằng, nếu tự ý uống thuốc hạ sốt 1 lần nữa, thì vô phương cứu chữa. Lượt về thì ổn lắm, vừa hạ cánh là người bệnh tự gọi điện báo tin đã hạ cánh an toàn, cười nói, cám ơn inh oang hết cả.

Từ đấy, không thấy sốt lại lần nào, nhưng cũng phải thuốc thang, bồi dưỡng các thứ gần cả năm sau, mới hoàn toàn khoẻ mạnh như trước.

Án bệnh thì phức tạp lắm, không trình bày về chuyên môn được. Chỉ lưu ý với những trường hợp này, kháng sinh kháng viêm vô tội vạ làm cho gan, thận, huyết nhiễm độc, dùng thuốc hạ sốt triền miên, mồ hôi túa ra suốt sẽ dẫn đến âm hư kiệt, dương tất thoát. Kêu là Đại hãn dương vong (hoặc thoát). Kiệt quệ và chết do lỗi điều trị, chứ không phải do bệnh. Phác đồ tôi điều trị, 90% nhắm vào điều trị lỗi điều trị trước đó, chỉ 10% nhắm vào bệnh ban đầu mà thôi.

Phác đồ cơ bản và xuyên suốt, cả châm cứu lẫn thuốc uống của tôi luôn lôn bám sát mục đích cứu âm phò/tiếp dương, không hề tả/giáng hoả hay thanh nhiệt phát hãn để hạ sốt. Dùng cách này với lí luận thông thường sốt thì phải hạ với các vị/bài thuốc cổ truyền có tác dụng tả/giáng/thanh hoả/nhiệt, đảm bảo người bệnh uống xong ngụm thuốc, trôi tới cuống họng thì lập tức lịm, tứ chi quyết lãnh, thoát dương mà chết luôn. Đã nhiều âm y án tương tự của các cụ xư nay để lại rồi đấy thôi.

Phác đồ thuốc uống, tuy đích nhắm đến là hồi dương cứu nghịch, nhưng tôi không dùng độc sâm thang hay sâm phụ thang. Đây là những phương thuốc mệnh danh “cải tử hoàn sinh” kinh điển, lừng lẫy của Trung y, đi thẳng vào phần dương để cứu, một khi người bệnh đã phải dùng tới, hoặc cứu sống hoặc sẽ chết ngay trong ngày. Mà tôi chỉ dùng 1 phương thuốc Nam rất đơn giản. Vì sao lại thế?

Một là, y cứ theo Nội kinh chỉ dạy, muốn cứu dương, trước nhất phải cứu được âm, muốn phò dương, trước nhất phải trợ được âm. Lấy âm mà cứu được dương, mới là sự tài tình của 1 người thầy thuốc.

Hai là, lấy đâu ra sẵn nhân sâm thứ thiệt để cứu hoặc có cũng phải dùng 2-3 con nhân sâm/ngày, mỗi con giá rẻ cũng vài chục triệu. Và, chính tôi đã từng chứng kiến vài ba trường hợp có điều kiện, sẵn nhân sâm thứ thiệt, dùng cứu nghịch người nhà mà vẫn chết. Tôi đọc hàng chục nghìn y án của các cụ trong khoảng trăm năm gần đây, không thấy án nào dùng các phương cứu nghịch như trên mà cứu được người bệnh. Ở thời hiện tại, khi thấy người bệnh bước sang giai đoạn thoát dương, YHCT sẽ kính chuyển đến hồi sức tích cực của YHHĐ thôi, chứ chả dám chữa gì nữa.

Ba là, bản thân người bệnh đã sử dụng quá nhiều loại thuốc có độc tính, cơ thể đã suy nhược đến mức kiệt quệ, khả năng đào thải độc tố kém lắm rồi. Chẳng may phụ tử (độc bảng B) không chế kĩ hoặc chế kĩ nhưng còn chút độc tính, thì vào cơ thể người bệnh lúc này giống như giọt nước tràn ly, sẽ nhiễm độc huyết, suy đa tạng phủ mà chết. Lỗi tại mình. Hoặc cứ cho là phụ tử an toàn, thì sức nóng của nó rất mãnh liệt, lại có tính tẩu tán kinh khủng, làm hư hao tân dịch, thế là còn chút âm cuối cùng để níu kéo dương cũng cạn nốt. Nó dễ dàng khiến cho dương manh động dữ dội, phóng túng khắp nơi, vụt sáng rồi tắt lịm như ngọn đèn hết dầu được khêu bấc lần cuối. Người bệnh có thể hồi tỉnh, khoẻ khoắn như không bệnh tật gì trong một thời gian ngắn, rồi lăn đùng ra nhắm mắt tắt hơi. Giống như hiện tượng hồi quang phản chiếu vậy.

Thế nên, đường hướng Nội kinh chỉ bày là đúng đắn, lấy âm cứu dương. Dùng sự nhu nhuyễn, uyển chuyển, mềm mại của âm, để níu giữ, buộc chặt dương lại, không cho dương thoát, dần dần kéo dương về đúng vị trí cân bằng. Giống như người thả diều lúc gió to, phải nương theo thế gió, khéo léo buông thả dây diều, rồi mới buộc lại. Nếu trực tiếp cương lại thế gió, thì hoặc con diều rách nát hoặc dây bị đứt và diều bay mất hút.

Phác đồ không dùng thuốc, căn bản là cứu hoặc cứu trước châm sau. Mục đích toàn phác đồ là cứu dương (hồi dương cứu nghịch), dẫn hoả quy nguyên, trấn thần (để thần không bị thoát mất, thần mất tất chết), bổ khí hành khí trợ dương sinh mạch, bổ huyết hoạt huyết dưỡng âm thâu liễm. Cấp cứu dương hư thoát, tình trạng âm kiệt dương vong, thì chỉ cứu mới có thể làm được kịp thời, châm không tác dụng. Đây chính là 1 trong những điểm huyền diệu tinh vi của pháp cứu, mà ít người có thể lĩnh hội, ứng dụng được. Thường người ta chỉ dùng phép cứu như 1 phép phụ cho phép châm hoặc kết hợp đốt kim châm (ôn châm) thôi. Chứ lúc này lại chỉ suy tưởng, cố chấp vào lí luận giản đơn, “nhiệt gặp nhiệt tức cuồng”, người bệnh đang sốt cao tất cấm cứu, thì chết. Ấy là chưa tỏ tường đường hướng chỉ bày của Nội kinh, sự vi diệu của pháp cứu và không rõ mục đích chữa bệnh là gì.

P/s: Còn nhiều y án sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân nữa, có người bị cả năm, cũng từng phải đi nhiều viện, nhưng không người bệnh nào đến mức “thập tử nhất sinh” như ca này. Và sau điều trị, đều khỏi hẳn cả.

Clip người bệnh sau khi được điều trị khỏi, tới phòng khám chào, chia tay y, bs để về quê.

 

Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.