BÁCH BỘ
Stemona tuberosa Lour.
Tên khác: Củ ba mươi, dây dẹt ác, slam slip lạc, mần sòi (Tày), bản sam sip (Thái), pê chầu chàng (H’Mông), mùi sấy dòi (Dao), hơ linh (Ba Na).
Tên nước ngoài: Stémona (Pháp).
Họ: Bách bộ (Stemonaceae).
Mô tả
Dây leo bằng thân quấn, dài 6-8m có khi hơn. Rễ củ nhiều, mập, nạc, hình trụ, mọc thành khóm dày, dài 15-30cm. Thân nhẵn, hình trụ, màu lục nhạt, hơi phình lên ở những mấu. Lá mọc đối hoặc so le, có cuống dài, gốc hình tìm, đầu thuôn nhọn, có 7-13 gân chính hình cung, chạy tử cuống lá đến đầu lá, có những gân phụ ngang, nhỏ, song song, sít nhau rất đặc sắc.
Cum hoa mọc ở kẽ lá, có cuống dài 2-4cm, gồm 1-2 hoa màu vàng, mặt trong màu đỏ tía, có mùi hôi; bao hoa gồm 4 bộ phận giống nhau, hẹp ngang, thuôn dài khoảng 4cm; 4 nhị, chỉ nhị ngắn.
Quả nang, hình trứng thuôn, có 5-8 hạt.
Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8.
Nhiều loài khác cũng được dùng:
1. Bách bộ lá nhỏ – Stemona pierfei Gagnep
Dây leo. Thân mềm có cạnh. Lá mọc so le, có 7 gân chính. Hoa màu đỏ sẫm, dài khoảng 1cm.
2. Bách bộ nam – Stemona cochichinensis Gagnep
Thân đứng không leo, có khía. Lá mọc so le, lá phía dưới tiêu giảm thành vảy, lá phía trên hình trái xoan – tam giác. Gân chính: 9. Hoa nhỏ: 2-3 cái.
3. Bách bộ đứng – Stemona collinsae Craib
Thân đứng, phân nhánh, sau leo, có cạnh khía, màu đỏ. Lá mọc so le, lá phía dưới hình vảy, lá phía trên hình tim dài. Gân chính: 9-13, màu đỏ. Hoa nhỏ thường đơn độc, ít khi 2.
Phân bố, sinh thái
Stemona Lour. là một chi nhỏ, gồm các đại diện là dây leo hoặc cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam có 5-6 loài đều có rễ củ hình chùm; một số loài tương đối hiếm gặp nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Loài Stemona tuberosa Lour có phạm vi phân bố rộng rãi nhất, bao gồm hầu hết các tỉnh miền núi (trừ vùng cao trên 1000m), trung du và thậm chí có cả ở vùng ven biển và đồng bằng. Những tỉnh có nhiều bách bộ ở Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Cây cũng phân bố ở các nước khác như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Bách bộ thuộc loại cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; thường mọc nơi đất ẩm, còn khá màu mỡ ở rừng thứ sinh ven đồi, bờ nương rẫy; cây còn mọc lẫn với nhiều cây cỏ khác ở rừng núi đá vôi ẩm. Bách bộ mọc ở nơi đất tơi xốp có rễ củ nhiều và to. Năm 1977 tại huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), đoàn điều tra dược liệu đã thu được một nhóm bách bộ, có bộ rễ củ nặng 7kg. Cây bách bộ mọc từ hạt sau hai năm thì có hoa quả. Số lượng quả trên mỗi cây không nhiều nhưng mỗi quả có nhiều hạt. Sau khi bị chặt phá, phần còn sót lại vẫn còn khả năng tái sinh.
Nguồn trữ lượng bách bộ ở Việt Nam tương đối phong phú. Trước đây thường được khai thác thu mua. cây đang bị thu hẹp mạnh vùng phân bố do nạn phá rừng. Có thể trồng được bằng hạt hoặc phần gốc sau khi thu hết củ.
Cách trồng
Bách bộ ưa khí hậu ôn hòa, ưa bóng khi còn nhỏ, thích đất pha cát, nhiều mùn, ẩm mát.
Có thể trồng bách bộ bằng cách gieo hạt trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng hoặc trồng ngay bằng chồi gốc.
Vào khoảng tháng 8-9, thu lấy quả chín đem phơi ở chỗ thoáng gió vài ngày cho vỏ quả tách ra, gom lấy hạt, sàng sẩy sạch vỏ quả, phơi thật khô và bảo quản nơi khô ráo. Đến tháng 3-4, đem hạt gieo trong vườn ươm và mùa xuân năm sau, đánh cây con đi trồng.
Còn có thể dùng chồi gốc để trồng. Sau khi thu hoạch rễ củ làm thuốc, những đoạn gốc dầu củ mang chồi được tách ra đem trồng. Cách này cho hệ số nhân giống thấp nhưng không phải qua giai đoạn vườn ươm.
Vườn ươm hạt cần chọn nơi đất ẩm, râm mát và thoát nước. Sau khi làm đất tơi nhỏ, lên luống cao 20cm, rộng 70-80cm, rạch thành hàng ngang cách nhau 20cm rồi tiến hành gieo hạt, hạt nọ cách hạt kia 2-3cm. Dùng tro bếp hoặc phân chuồng loại mục rắc lên trên hạt một lớp dày 1-1,5cm, rồi lấp đất nhỏ dày chừng 1-1,5cm, cuối cùng phủ rơm, rạ hoặc cỏ khô lên mặt để giữ ẩm và tránh đóng váng. Vườn ươm cần được làm cỏ, tưới ẩm thường xuyên.
Mỗi kilogam hạt có khoảng 4 vạn hạt, tỷ lệ nảy mầm thường đạt 50-55%. Khoảng 2,5-3kg hạt đủ gieo cho 500 mm2 vườn ươm.
Ruộng trồng bách bộ nên chọn khu đặt thoát nước ven đồi, có tầng canh tác sâu tiện tưới tiêu. Khi trồng cần làm đất tơi nhỏ, bổ hốc sâu 10-15cm với khoảng cách 25x50cm bón lót một ít phân chuồng loại mục và trồng mỗi hốc một cây, sau đó tưới nước.
Khi bách bộ mọc cao khoảng 20cm, cần cắm giàn cho cây leo, có giàn, cây sinh trưởng tốt hơn và đỡ công chăm sóc.
Cây con trong vườn ươm có thể tưới thúc bằng nước phân chuồng hay đạm sulfat pha loãng. Cây ở ruộng sản xuất có thể bón thúc bằng các loại phân chuồng ủ mục sau khi lam cỏ, mỗi năm vài ba lần vào thời kỳ cây sinh trưởng mạnh (tháng 5 đến tháng 8).
Ngoài ra, còn có thể gieo thẳng hạt, không qua vườn ươm. Mỗi hốc gieo 4-5 hạt. Sau khi cây mọc, tỉa bớt, chỉ để lại mỗi hốc một cây khỏe nhất.
Hiện nay, chưa phát hiện được sâu bệnh gì đáng kể.
Bộ phận dùng
Rễ đã phơi khô hoặc sấy khô. Theo Dược điển Việt Nam II, Tập 2, đào rễ khi trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ hạt dầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Rễ nhỏ để nguyên, rễ to có thể bổ đôi, rồi phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50-60 độ C. Rễ bách bộ cong queo, dài từ 5cm trở lên, đường kính 0.5-1cm. Đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài vàng nâu, có nhiều nếp nhăn.
Theo cuốn Phương pháp bào chế đông dược, sau khi rửa sạch, ủ mềm, rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi khô (dùng sống). Tẩm mật một đêm, rồi sao vàng (dùng chín).
Thành phần hóa học
Rễ bách bộ chứa nhiều alcaloid: stemonin, tuberostemonin, neotuberostemonin, stenin, stemotinin, isostemotinin,….
Đáng chú ý là có hai chất mang tên stemoni: một chất 17C do Suzuki chiết suất, một chất 22C do Lobstein và Grumbach năm 1932. Chất này được Phạm Thanh Kỳ va cộng sự (1993) xác định là tuberostemonin L – G.
Theo Dược điển Việt Nam II, Tập 3, hàm lượng alcaloit toàn phần trong rễ bách bộ cần đạt là 0,15% tính theo tuberostemonin L – G.
Ngoài ra, rễ bách bộ Còn chứa 2,3% glucid, 0,25% protid, 0,84% lipid, nhiều acid hữu cơ (acid malic, acid oxalic, acid succinic, acid acetic, acid formic) và 3 dẫn chất bibenzyl! (3, 5 – dihydroxy. . methylbibenzyl : 3,5-dihydroxy – 2′-methoxy-4. methylbibenzyl và 3 – hydroxy, 2′, 5-dimethoxy -2 methylbibenzyl)
Tác dụng dược lý
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh trong y học cổ truyền, bách bộ được dùng chữa ho, trị giun và diệt sâu bọ là đúng đắn.
1. Tác dụng chữa ho: stemonin có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp động vật, ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng trị ho.
2. Bách bộ đã được thí nghiệm chữa bệnh lao hạch có kết quả tốt
3. Tác dụng trị giun và diệt côn trùng: ngâm giun vào dung dịch 0,15% stemonin, giun sẽ tê liệt sau 5-10 phút. Nếu kịp thời lấy giun ra khỏi dung dịch, giun sẽ hồi phục lại. tiêm dung dịch stemonin sulfat (3mg) vào ếch nặng 25g, có thể làm cho ếch tê bại, sau 12h thì bình phục. Dùng rượu thuốc bách bộ 1/10 trong rượu 70 độ, ngâm hay phun vào con rận, rận sẽ chết sau 1 phút. Nếu ngâm rệp, con vật này sẽ chết mau chóng hơn.
4. Tác dụng kháng khuẩn: bách bộ có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột già và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ, phá thương hàn. N
Nước sắc vỏ rễ bách bộ có những tác dụng dược lý sau:
1. Nước sắc 10-50% rễ bách bộ có tác dụng làm liệt giun (liệt mềm) sau thời gian từ 8-20 giờ. Giun đã bị liệt do tác dụng của thuốc không hồi phục được lại sau khi đã rửa sạch thuốc. Bách bộ có tác dụng làm tan rã chất kitin bao bọc xung quanh giun.
2. Với liều vừa phải, bách bộ không ảnh hưởng trên hoạt động co bóp của tim, huyết áp, hoạt động co bóp của ruột và tử cung và không gây độc với động vật thí nghiệm.
3. Dung dịch alcaloid toàn phần chiết từ rễ cũng như từ lá và thân cây bách bộ đều có tác dụng long đờm rõ rệt trên chuột nhắt trắng và làm liệt cơ giun đũa ở lợn. DO đó có thể sử dùng cả là, rễ và thân cây làm thuốc trị ho và trị giun.
Rễ bách bộ có tác dụng kháng khuẩn đối với Mycobacterium tuberculosis. Thuốc ức chế trung tâm hô hấp mà không ảnh hưởng tới tim. Cao cồn của rễ có tác dụng diệt chấy rận mà không độc và không kích ứng đối với người. Dung dịch 0,15% alcaloid stemonin làm tê liệt giun đất. Sau khi lấy ra khỏi dung dịch, giun hồi phục lại. Thuốc có tác dụng trên tim, lúc đầu làm tim bị kích thích, sau đó bị tê liệt.
Tính vị, công năng
Bách bộ có vị ngọt, đắng, tính hơi ẩm, có tác dụng nhuận phế, sát trùng.
Công dụng
1. Chữa ho, ngày dùng 4-12g, dưới dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.
2. Chữa giun, ngày uống 7-10g, dưới dạng thuốc sắc, uống sáng sớm, lúc đói trong 5 ngày liền sau đó tẩy.
3. Diệt côn trùng, nước sắc bách bộ, cho thêm ít đường, ruồi ăn phải chết tới 60%. Dung dich 1/20 giết chết bọ gậy 100%. Rắc bột bách bộ vào hố phân, giòi chết 100%.
4. Đốt rễ bách bộ, hơ khói để diệt ruồi muỗi, bọ chó, rận. Nước sắc rễ bách bộ dùng gội đầu, ngâm quần áo có tác dụng diệt chấy rận.
Theo tài liệu nước ngoài, rễ bách bộ được dùng điều trị lao phổi và ho.
Kiêng kỵ: tỳ vị hư yếu không dùng.
Nam Y Dược Phú Tuệ trên Facebook tại đây
Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.
Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây