Cây và quả thổ phục linh xanh

Thổ phục linh

1. Tên gọi

– Tên vị thuốc: Thổ phục linh.

– Tên khác: Khúc khắc, khúc khắc nhẵn, dây chắt, dây đau, dây khum, cậm cù, tập tang, mọt hoi dòi (tiếng dân tộc Dao), cẩu ngồ lực (tiếng dân tộc Tày). Một số sách ghi tên khác là kim cang (tỳ giải) là không đúng. Tỳ giải khác hoàn toàn với thổ phục linh về mọi mặt (sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ sự sao chép của Trung y cổ truyền).

– Tên khoa học: Smilax glabra Roxb, họ hành tỏi (Lileaceae).

2. Phân bố:

Ưa sống ở những khu vực hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Ở nước ta, thổ phục linh sinh trưởng chủ yếu ở các vùng rừng núi, thung lũng.

Cây và quả thổ phục linh chín

 

3. Đặc điểm thực vật

– Thân: Thổ phục linh là cây dây leo, thân mềm, toàn thân không có gai, sống lâu năm

– Lá: Hình trứng, trái xoăn hoặc hình bầu dục, đầu lá nhọn, phía dưới cuống hình trái tim, mọc so le. Mỗi lá có chiều dài trung bình cỡ 5 -11cm, rộng khoảng 3-5cm. Phía dưới cuống lá có tua cuốn. Lá màu xanh, mặt trên sáng bóng, mặt dưới xanh nhạt hơn và hôi trắng giống như có phấn phủ bên ngoài.

– Hoa: Thường nở vào tháng 5-6 hàng năm. Bao gồm cả hoa đực và hoa cái mọc thành cụm ở ngay kẽ lá, hình táng nối với thân bằng một cuống dài. Hoa thổ phục linh thường có màu hồng, một số hoa điểm màu chấm đỏ.

– Quả: Thổ phục linh ra quả vào tháng 7-10 hàng năm. Quả hình tròn, nhỏ, mọc thành chùm, kích thước đường kính dao động từ 8-10mm. Khi còn non có màu xanh rồi chuyển dần sang màu tím, đỏ và lúc chín hẳn sẽ có màu đen.

– Hạt: Hình trứng, mỗi quả chứa từ 2-4 hạt.

– Ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á chủ yếu 2 loại, một màu nâu nhạt (gần như trắng), một nâu gạch (gần như đỏ).

Thổ phục linh khô thái lát

4. Bộ phận dùng:

Thân rễ (củ).

5. Đặc điểm dược liệu:

Củ thổ phục linh cứng, hình trụ dẹt, dài ngắn không đều nhau. Xung quanh có các chồi và rễ con mọc ra như mấu. Mặt ngoài củ màu nâu, lồi lõm. Lớp vỏ chứa vân nứt, có vẩy.

Thổ phục linh thái lát có mặt cắt màu trắng hình dáng hơi tròn dài hoặc bất định. Lát cắt hơi dai và khó bẻ gãy. Khi bẻ có thể thấy bụi bột bắn ra. Gặp nước nhầy, dính, vị hơi ngọt nhạt, không mùi.

6. Thành phần hóa học:

– Tinh bột gồm Smiglabrin, quercetin, acid butannedioic, acid palmitic, daucosterol, stigmasterol-3-o, D-glucopyranoside, hỗn hợp của stigmasterol và sitosterol, astilbin, epicatechin, isoastilibin, isoengelitin, taxifoliol, dihydroxyl-3-methoxyisoflavone, acid syringic, acid 2-itaconic…

– Tinh dầu gồm 49 loại thành phần, chủ yếu methylhexadecanoate, acid octadecadienoic, acid dipentyl glutaric.

7. Tính vị:

Tính bình, vị ngọt nhạt, khí êm, không độc.

8. Quy kinh:

Can, tỳ, thận.

9. Tác dụng dược lý và chủ trị:

Nam y dùng thổ phục linh với các công năng: Ăn thay gạo, giúp không đói. Điều bổ hệ thống tiêu hoá (can, đởm, tỳ, vị, ruột), thay huyết xấu. Giúp khoẻ người, tỉnh táo, cứn mạnh gân xương, khoẻ chân, đi lâu không mỏi, trẻ hoá và kéo dài tuổi thọ. Chủ trị phong thấp, đau mỏi khớp xương, co rút gân cơ, mụn lở, độc ác sang, ung thư, thũng độc sung lở, lỏng lị, tràng nhạc (loa lịch), các chứng lở ngứa ngoài da, các bệnh phong tình như giang mai, lậu. Tiễu trừ chất độc khinh phấn, chu sa, hùng hoàng (các loại thuốc độc bảng A, dạng khoáng, dùng để chế thuỷ ngân), thạch tín, lưu huỳnh và nhiều chất độc khác, bao gồm cả nọc rắn, nấm độc. Ở thời kì hiện đại, Nam y ứng dụng thổ phục linh (toa gồm 38 vị) trong giải trừ ngộ độc, tích độc thuốc Tây (nhiều loại thuốc Tây có thành phần thuỷ ngân ở các thể khác nhau).

Chế phẩm từ thổ phục linh của Trung Quốc

– Trung y cổ truyền xếp thổ phục linh lẫn vào với mục phục linh và phục thần, chia làm 2 phần. Phần nói về phục linh và phục thần rất kĩ càng, nhiều công năng “thần thánh”, phần nói về thổ phục linh rất sơ sài, do đó, thổ phục linh bị coi thường. Mãi về sau, Trung y phát hiện ra nhiều giá trị độc đáo của thổ phục linh, thì bắt đầu khai thác, vơ vét cho đến tận ngày nay. Họ đã nghiên cứu, ứng dụng và làm ra rất nhiều chế phẩm từ thổ phục linh, cả cổ truyền lẫn hiện đại.

– Tây y dùng thổ phục linh ở 2 dạng. Một theo lối cổ truyền (cũng cả nghìn năm) và sản xuất các loại nước uống bồi bổ sức khoẻ, giải độc cơ thể, tăng cường bài tiết (nhiều nhất là Mỹ, có cả soda). Hai ở dạng chiết xuất làm chế phần trong thuốc Tây. Cùng với những nghiên cứu, nhận xét, đánh giá của Hérail, Bonnet, Paul Constatin, công năng, tác dụng cách dùng thổ phục linh của phương Tây giống với Nam y, kể cả tác dụng bài độc thuỷ ngân.

– Ấn Độ là nơi sản xuất nhiều loại thuốc Tây dạng sao chép, cung cấp cho nhiều nước (có Việt Nam) giá thành thấp, sử dụng rất nhiều thổ phục linh của Việt Nam, Lào, Campuchia. Sự vơ vét thổ phục linh ở Việt Nam của Trung y so với Ấn Độ, thì Ấn Độ tận diệt khủng khiếp hơn nhiều.

– Trên lâm sàng hiện nay, thổ phục linh cũng được ứng dụng trong nhiều toa thuốc điều trị ung thư (cancer) với công năng bài độc (độc tố hoá học, độc tố do vi khuẩn, vi rút, tế bào tiết ra trong cơ thể).

10. Liều lượng và cách dùng:

15-30g/ngày (lát khô), giải độc cấp có thể từ 50-100g. Chế thuốc dạng bột tán, cao lỏng, cao đặc, thuốc sắc hoặc hãm nước uống như uống trà hàng ngày. 50g thổ phục linh khô, đổ khoảng 2 lít nước, sắc còn 1.5 lít (nếu còn đặc, có thể sắc nước 2 với khoảng 1l nước), để lạnh uống. Thêm đường hoặc mật ong cho hơi ngọt, uống rất ngon, thơm. Tại Phòng Chẩn trị YHCT Phú Tuệ, những người bệnh ngồi chờ đến lượt thăm khám, điều trị, thường được mời uống nước sắc thổ phục linh gia vài vị nữa, để thông kinh mạch. Và, ai uống cũng thích, cũng khen thơm ngon, bổ mát.

11. Kiêng kị:

Nước trà (chè), rượu, bia, thịt chó, cá diếc, ngỗng. Đối với bệnh phong thấp, kiêng thịt gà.

12. Chống chỉ định:

Người huyết hư dùng liều thấp, thời gian ngắn.

13. Lời bàn riêng:

– Về công năng giải độc thuỷ ngân của thổ phục linh, trước khi có sự giao thoa của Tây y, thổ phục linh không được xác định có khả năng giải độc thuỷ ngân, vì Nam y chưa biết tới tên hoá học này. Mà chỉ biết đến giải độc khinh phấn, chu sa, hùng hoàng là các vị thuốc khoáng vật được dùng rất nhiều trong các toa thuốc của Trung y, kể cả thuốc bổ (thường dùng làm áo), nhất là những toa trấn tâm an thần (thuộc dạng trọng trấn an thần), an cung ngưu hoàng hoàn nổi tiếng, các loại thuốc dùng trị bệnh da liễu. Việc dùng nhiều loại thuốc có chứa khinh phấn, chu sa, hùng hoàng giúp bệnh mau khỏi, chóng lui, nhưng sự tồn dư độc tố (thuỷ ngân) ngấm sâu vào gân, xương gây ra nhiều hệ luỵ về sức khoẻ, nhất là can, thận và xương khớp. Điều này khớp với tác dụng phụ của các loại thuốc Tây có chứa hàm lượng thuỷ ngân.

– Nền tảng thuốc Nam không dùng các vị khoáng vật đại độc để điều trị các bệnh chứng như Trung y, mà hiệu dụng chẳng hề kém, đây là ưu điểm. Và để chữa trị, khắc phục những bệnh chứng do dùng khinh phấn, chu sa, hùng hoàng, Nam y dùng thổ phục linh, từ đó mà biết tác dụng thải độc thuỷ ngân nói riêng, kim loại nặng nói chung tồn tại và gây hại trong cơ thể người. Đến thời kì sử dụng thuốc Tây, y khoa của Việt Nam cũng ứng dụng thổ phục linh để giải độc thuốc Tây tồn dư trong cơ thể. Chu sa, khinh phấn, hùng hoàng, chế phẩm thuỷ ngân, phép chế, liều lượng, cách dùng tuy khác nhau trong thuốc, nhưng hàm lượng thuỷ ngân tồn tại trong cơ thể giống nhau và nó được xác định là không bị đào thải ra khỏi cơ thể. Cho đến hiện nay, ngoài thổ phục linh đủ sức bài sạch độc thuỷ ngân ra khỏi cơ thể, chưa thấy vị thuốc cổ truyền có công năng giải độc nào được xác nhận có tính năng đặc biệt này.

 

Thổ phục linh màu nâu gạch

– Thổ phục linh của Việt Nam ngày càng khan hiếm, vì bị khai thác tận diệt, không nuôi trồng, môi trường sống hạn hẹp (thường phải ở rừng già, vị trí cao), tuổi đời khai thác rất lâu (thường quy định đến 30 năm mới tối ưu làm thuốc). Do đó, cần phải có chiến lược bảo tồn, gây trồng, khai thác. Chuyện có lẽ bắt đầu từ những năm thập niên 70-80, thế kỉ XX, khi người ta khảo sát về tình hình tuổi thọ ở Việt Nam và thấy, bản Lũng Vân – Hoà Bình (bản Lũng Vân là bản dòng trưởng của người Mường) có nhiều người sống thọ mà tráng kiện, khoẻ mạnh, minh mẫn, rất ít bệnh tật. Qua tìm hiểu, người ta biết rằng, dân bản Lũng Vẫn quanh năm dùng thổ phục linh làm lương thực, hàng ngày thường uống nước sắc thổ phục linh. Và thế là, người ta bắt đầu tận thu, tận mua, tận diệt. Bây giờ, Lũng Vân hầu như không còn thổ phục linh nữa.

– Ở Việt Nam có hai loại, loại màu nâu gạch (vị ngọt hơn) được đánh giá dược tính thấp hơn. Nhưng trên lâm sàng, chúng tôi thấy loại nâu gạch (phân bố chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên) sức bổ huyết mạnh hơn loại thường dùng màu nâu nhạt. Do đó, tuỳ mục đích sử dụng mà dùng loại nào.

– Cũng như nhiều vị thuốc Nam khác, Phòng Chẩn trị YHCT Phú Tuệ cung cấp thổ phục linh loại màu nâu nhạt cho các đơn vị chế biến, sản xuất, thầy thuốc YHCT và người sử dụng, đảm bảo chất lượng tối ưu. Xem chi tiết tại đây.

Nam Y Dược Phú Tuệ trên Facebook tại đây

Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.