TẠNG PHẾ
1. Phế chủ Táo
Thuộc tính lớn nhất trong ngũ hành của Phế kim là Táo. Táo ý chi khô ráo, mất nước.
Dương Kim làm lộ rõ tính Táo, tức tăng Táo, và được Âm Kim duy trì mức độ Táo vừa phải nên Âm Kim (Phế âm) làm giảm tính Táo.
– Táo làm cho vạn vật thu lại, vào kỷ luật, khuôn khổ. Đó là tính chất lớn của Kim vậy.
– Phế cảm được tính khuôn phép của Táo mà giữ chức “tướng phó chi quan” lo việc điều tiết, phân bố khí đúng nơi (Phế túc giáng, tuyên phát khí), phân bổ thuỷ đúng đường (Phế thông điều thuỷ đạo)
2. Phế hợp bì – mao
Căn cứ vào biểu hiện của Bì – Mao mà xác định thịnh suy của Phế Dương, Phế Âm.
Khi nhiệt tăng (Tâm dương thịnh) thì Bì mao có Hãn xuất (thuyết cổ cho rằng: Hãn là dịch của Tâm), đó là hậu quả của Tâm dương thịnh khắc Phế dương (Dương Kim), bì mao mất tính Táo mà mồ hôi đổ ra (đối với Táo là Thấp).
Bình thường Dương Kim khắc Dương Mộc, khi lao động (Dương Mộc tăng) Phế Kim không còn chế được Dương Mộc mà ngược lại, bị Dương Mộc phản khắc khiến Dương kim suy yếu, Bì mao là nơi biểu lộ của Phế, nay mất tính Táo mà mồ hôi cũng đổ.
– Phế thuộc thanh Kim, thể của nó ở cao và to lớn, ví như Thiên che chở vạn vật. Phế khí đạt ra ngoài nhằm bảo vệ cho toàn thân ví như Thiên đã bao bọc tất cả vậy.
– “Tâm chủ huyết, mồ hôi cũng là dịch của huyết”.
– “Lông mao là chỗ dư của huyết”. Con trai lấy khí làm chủ, nên huyết hoá theo khí, vận hành lên trên, ra ngoài thành râu, thành lông, Phế chủ khí nên vinh của nó ở lông.
– Chức năng khai hạp của bì mao thuộc Phế Khí.
– Hình thể bì – mao: Phế hình.
3. Phế chủ khí, chủ hô hấp
Hô hấp là hành động trao và nhận (thông) với Thiên Địa về vấn đề khí, đó là khí hậu thiên, quyết định sự Sinh-Trưởng-Thu-Tàng, Phế khí tốt thì Hô và Hấp tốt, khí hậu thiên đầy đủ để hoà cùng Thiên Địa, cho nên người xưa nói Phế chủ khí, chủ hô hấp.
Ngược lại khi bệnh xảy ra, hô hấp xáo trộn, khí sẽ không còn hoà với Thiên khí và Địa khí nữa, quá trình Sinh-Trưởng-Thu-Tàng không còn chừng mực, Đông y mô tả trường hợp này là bệnh ở khí.
– Phế chủ khí toàn thân, phân bổ khí.
– Hít vào tốt (trọn vẹn) khí xuống tận Đan điền (huyệt Khí Hải).
– Trong Yoga và Thiên học, hơi thở là phương tiện kết nối giữa Thân và Tâm. Thực tập hơi thở là bài tập căn bản để điều hoà Thân Tâm.
– Trong Đông y, Phế kim sinh Thận thuỷ: hô hấp tốt giúp tăng tinh khí của Thận. Khí hô hấp là khí hậu thiên, luôn bổ sung cho tinh khí tiên thiên, giúp duy trì sự sống. Các động tác dưỡng sinh luôn chú trọng hơi thở là vậy.
4. Phế khai khiếu ở mũi
Khai khiếu là mượn cái lỗ để Thông-Hiện cùng Thiên khí-Địa khí, chúng ta hô hấp bằng mũi và miệng, miệng thì nhận vật thực, mũi thì nhận khí.
– Mũi nhận thanh khí của Thiên-Địa: hít thở và ngửi mùi.
– Thở tốt hay không liên quan rất nhiều với sức sống của cơ thể.
– Thở đều, sâu đánh giá Phế khi còn đủ tính Táo, tính khuôn phép.
5. Phế cùng Tâm làm chủ Thượng tiêu
Phế chủ khí thượng tiêu, Tâm làm chủ huyết, huyết nhờ khí của Phế thúc đẩy đi nuôi tạng phủ, nên nói Phế chủ thượng tiêu là bao hàm cả vận huyết nữa.
– Thượng tiêu: từ Cự khuyết trở lên đầu, hai tay (ngực, lưng trên, 2 tay, cổ, đầu)
– Trung tiêu: từ Cự khuyết – Thần khuyết (đại phúc, lưng giữa)
– Hạ tiêu: từ Thần khuyết trở xuống hai chân (thiếu phúc, thắt lưng, 2 chân)
6. Quan hệ với Đại trường
Đại trường tiếp nhận Táo khí của Phế mà thực hiện chức năng truyền tống, thể hiện rõ khi tiêu chảy hay táo bón trong chứng ngoại cảm.
– Đại trường có chức năng truyền tống vật trọc nhưng kèm theo thu liễm thuỷ dịch
– Đại trường truyền tống có đúng thời hay không rất quan trọng để đánh giá Phế khí có đủ táo khí và khuôn phép hay không. Giờ Đại trường thịnh lên nhất truyền tống là 6h.
– Khi ngoại cảm, phủ là nơi truyền tống tà khí. Phế thọ tà, thực lên đẩy tà qua Đại trường, sản phẩm xuất ra cho ta đánh giá được bệnh, nhất là trong nhi khoa, khi mà vấn chẩn bị hạn chế
7. Phế chủ tuyên phát, túc giáng, thông điều thuỷ đạo
Do tính khuôn phép của Táo kim, Phế phân bố, điều phối khí, dinh, tân dịch đến đúng nơi.
– Tuyên phát ý nói tuyên-bố, phát-tán, chỉ công năng Phế lấy t hanh khí được hít vào hoà vào tân dịch khí huyết rồi tuyên bố đến toàn thân, trong có kinh lạc tạng phủ, ngoài có bì mao cơ nhục, tán phát trọc khí và thuỷ dịch ra ngoài cơ thể. Giống như thiên Quyết-khí trong Linh-khu nói: “Thượng nhị tiêu khai phát, tuyên vị của ngũ cốc, làm ấm áp da, làm thân thể tròn trịa, làm lông tóc mềm mại, như sương sớm tươi mát, được gọi là khí”. “Thương tiêu khai phát” được nói đến ở đây chủ yếu chỉ tác dụng tuyên phát của Phế.
– Túc giáng ý chỉ thanh túc hạ giáng, cho nên Phế khí vừa phải thanh vừa phải giáng. Phế từ bên ngoài lấy vào thanh khí, cùng với vật chất thuỷ cốc tinh vi do Tỳ đưa lên, đều đợi hạ giáng, “như sương tưới tẩm” mà phân bổ toàn thân. Mà túc và giáng đều là tiền đề bởi vì Phế khí không ngừng phân tán tân khí xuống dưới, mới có thể bảo trì sự thanh túc của Phế, mà có sự thanh và sạch thì bên trong Phế mới thông suốt, mới có thể bảo trì Phế khí hạ giáng.
– Thuỷ đạo là chỉ con đường vận hành thuỷ dịch trong cơ thể (tức chỉ Tam tiêu). Tác dụng thúc đẩy và giữ sự cân bằng trao đổi thuỷ dịch trong cơ thể chủ yếu dựa trên công năng tuyên phát và túc giáng của Phế khí, sự vận chuyển của Tỳ khí, sự khởi đầu của Thận khí (Thận chủ thuỷ). Phế có tác dụng thúc đẩy, điều tiết tuần hoàn thuỷ dịch, nên gọi là “thông điều thuỷ đạo”.
TẠNG THẬN
1. Thận chủ Hàn, chủ Thuỷ
Thuộc tính lớn nhất của Thuỷ trong ngũ hành là Hàn.
Hình của Thuỷ trong cơ thể tổng quát là thuỷ dịch. Thuỷ khí vốn thăng giáng được thuộc Dương, Thuỷ hình thuộc Thể như: cốt, tuỷ, tinh, thuỷ dịch.
– Thận thuộc Thuỷ, bẩm thụ Hàn khí làm mát thân thể, khắc chế được Tâm hoả
– Thân khí hoá Thuỷ đưa lên trên thượng tiêu Tâm – Phế, vào Tâm ước chế Tâm hoả, vào Phế để được tuyên phát ra làm tươi mát toàn thân
– Thuỷ tượng là nước, chảy không dứt, uyển chuyển để đi đến tận cùng về biển. Do đó Thận tàng “chí”. Người bị Thận khí hư thì ‘thất chí’: làm việc không ý chí, hay bỏ dở nửa chừng.
2. Thận chủ cốt-tuỷ-tinh
Thực chất vấn đề hàm ý rằng cái sâu nhất, cứng cáp nhất, tinh hoa nhất, vi tế nhất, quan trọng nhất đều do Thận làm chủ.
– Não là bể chứa Tuỷ
– Thận sinh tinh, được xem là cái gốc của ngũ tạng. Tinh sinh ra tuỷ, được xem là cái gốc của trăm loại hài cốt. Khi tinh và tuỷ sung túc thì sự khéo léo bật ra. Do đó mà Thận chủ kỹ xảo, tác cường chi quan
– Thận chứa tinh tiên thiên: nó được bổ sung từ hai nguồn hậu thiên là:
+ Tinh hoa ngũ cốc, phẩm vật của Địa, qua Tỳ vận hoá cung dưỡng ngũ tạng còn dư được tàng ở Thận
+ Thanh khí của Thiên qua Phế hô hấp
3. Thận khai khiếu ở tai
Vấn đề này nên hiểu theo:
+ Sự nghe rõ hay không do Thận khí thịnh hay suy
+ Thận tuy ở dưới (Hạ tiêu) nhưng phần thanh vẫn xuất ra ở trên (tham với Thiên)
– Thận khai khiếu ra tai để nghe những điều tốt đẹp của Thiên, cũng là thể hiện cái chí đến tận cùng của Thận khi con người có thể lắng nghe người khác, nghe sâu để hiểu, đó là cái tính tốt của Thận vậy
– Nghe có nhiều mức độ: nghe âm thanh, nghe cái tâm. Lắng nghe với tâm tốt giúp hiểu quá trình Thông-Cảm-Ứng. Những ai Thận khí hư, Tâm hoả vượng, nóng vội luôn gây đổ vỡ, sẽ không đi đến tận cùng của tình thương được
– Tình thương ở đây không phải là thương người chung chung mà là cách sống hoà điệu với Âm Dương của Thiên, Cương Nhu của Địa. Sống theo Thiên đạo là hiếu sinh, theo Đức của Địa là nuôi dưỡng vạn vật; Đức của Nhân là xem việc người để cư xử với nhau cho đúng mực
Tóm lại: Nghe để Hiểu – Hiểu để Thương. Đó là cái đức của Thận
4. Thận chủ Hạ tiêu
Vừa nói đến vị trí, vừa nói đến công dụng của Thận. Trong y học Đông phương thì phần thấp nhất là quan trọng nhất, theo ý nghĩa của Dịch.
– Thận chủ lưỡng túc – làm mạnh hai chân. Do Thận tinh và Thận khí làm chủ
– Sự xuất của hạ tiêu do Thận khí làm chủ
5. Quan hệ với tạng phủ khác
* Thận và Bàng Quang
Phủ Bàng Quang chứa và truyền tống thuỷ dịch đã được Thận thanh lọc (giáng trọc thuỷ). Vậy Bàng Quang tiếp tục vai trò thải trừ trọc thuỷ của Thận, do nhận khí từ Thận dương
* Thận và Can
– Thuỷ khí sinh Can hình, vì vậy Can hình có chức năng tàng huyết là đây
– Thuỷ hình sinh Can khí, hình vốn có thể thi hành dụng, tính Can dương là động, muốn động đúng mức thì phải có hình đúng mức. Thận làm hình nền, Can khí làm dụng là đây. Nhiều tài liệu xưa cho rằng Can Thận đồng nguyên hay Ất Quý đồng nguồn cũng là ý này
* Thận và Tâm
Thuỷ khí thăng giáng và thấm theo Hoả đi khắp nơi, cho nên Thuỷ – Hoả giao nhau ở mọi nơi. Thật vậy, khi còn sinh thì nơi nào trong cơ thể cũng có Thuỷ – Hoả ký tế
* Thận và Phế
– Phế dương tính Táo Kim, sinh Thận hình mà định hình Thuỷ (thuỷ vốn không định hình) thành cốt, tinh, tuỷ, não, thuỷ dịch
– Phế âm (bì, mao, phổi) tiếp xúc với Khí Thiên (kinh mạch) và Khí Địa (hô hấp) rồi trao cho Thận thành Thận khí, kinh nói rằng Thận nạp khí, Phế chủ khí là do đây. Do Thận khí hình thành từ Khí Tiên thiên (của cha mẹ) và từ Khí của Thiên Địa nên Thận khí được gọi là Chân khí.
Tương tác facebook: Tại đây
Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.
Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây