KHÁI NIỆM VỀ TẠNG TƯỢNG

 

Hiểu các khái niệm trong Đông y để biết nó có nền móng là nền triết học siêu việt (vượt mọi thời đại) chứ không phải là nền khoa học duy vật cổ đại sơ khai.

– Tạng: (Danh từ) nơi chứa giữ sách vở, vật liệu. Trong y học: Tâm Can Tỳ Phế Thận trong người gọi chung là ngũ tạng, nhiệm vụ của ngũ tạng là giữ, không cho mất đi cái gì nó giữ.

– Tượng: (Danh từ) con voi, dáng bề ngoại của một vật.

 

Chương 1 “Hệ từ thượng truyện” viết: “Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình” = Khí hoá biểu hiện rõ dưới đất gọi là “hình”, trên trời gọi là “tượng”

‘Tượng’ là những vật  được thành ở trời, ‘hình’ là vật được hình thành ở đất. Trong thân thể con người, chúng ta có đủ thiên địa. Ngũ tạng là những vật bên trong người thuộc ‘tượng’. Tượng như vậy là những vật chỉ ‘có’ chứ ta không thể sờ mó được, khi chúng ta sờ mó được thì nó không còn là ‘tượng’ nữa. Ta gọi môn học về ngũ tạng lục phủ là ‘Tạng tượng học’ là thế. Trong thiên nhiên, ‘hình’ có núi sông, cây cỏ, chim muông… thì trong con người chúng ta hình thành là tay chân, da thịt, tóc tai…

Chương 12 “Hệ từ thượng truyện” viết: “Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý” =  Thánh nhân lập nên tượng để diễn tả hết cái ý của mình.

Sách Chu dịch lược lệ đã giảng giải câu trên: “Tượng giả, xuất ý giả dã. Ngôn giả, minh tượng giả dã. Tận ý mạc nhược tượng, tận tượng mạc nhược ngôn. Ngôn sinh ư tượng, cố dĩ tầm ngôn dĩ quan tượng” = Tượng là cái dùng để biểu lộ cái ý vậy. Lời nói là cái dùng để làm sáng tỏ cái tượng vậy. Diễn tả hết y không gì bằng tượng, diễn tả hết tượng không gì bằng lời nói. Lời nói sinh ra từ tượng, cho nên có thể tìm hiểu ở lời nói để xem thấy tượng.

 

Câu trên ý nói rằng khi chúng ta chưa hiểu đượng tượng thì phải dùng lời nói, nhưng đừng quên lời nói không phải là tượng. Khi chúng ta chưa hiểu được ý thì phải dùng tượng, nhưng đừng quên rằng tượng không phải là ý. Do đó, chúng ta phải quên tượng mới hiểu được ý, phải quên lời nói mới hiểu được tượng. Chúng ta phải phá bỏ cái chấp về tượng, về lời nói… thì mới đắc được ý.

=> ‘Tượng’ trong ‘Tạng tượng’ là Ý tượng – lấy một hình ảnh hay vật để nói đến một cái khác có ý nghĩa sâu rộng hơn rất nhiều.

Tố Vấn 9, thiên Lục tiết tạng tượng viết:

– Đế viết: Tạng tượng hà như?

– Kỳ Bá viết: Tâm giả, sinh chi bản, thần chi biến dã, kỳ hoa tại diện, kỳ sung tại huyết mạc, vi dương trung chi thái dương, thông ư hạ khí. Phế giả, khí chi bản, phách chi xứ dã, kỳ hoa tại mao, kỳ sung tại bì, vi dương trung thái âm, thông ư thu khí. Thận giả, chủ trập, phong tàng chi bản, tinh chi xứ dã, kỳ hoa tại phát, kỳ sung tại cốt, vi âm trung chi thiếu ấm, thông ư đông khí. Can giả, bãi cực chi bản, hồn chi cư dã, kỳ hoa tại trão, kỳ sung tại cân, dĩ sinh huyết khí, kỳ vị toan, kỳ sắc thương, vi dương trung chi thiếu dương, thông ư xuân khí. Tỳ – Vỵ – Đại trường – Tiểu trường – Tam tiêu – Bàng quang giả, thương lẫm chi bản, doanh chi cư dã, danh viết khí, năng hoá tao phách, truyền vị nhi nhập xuất giả dã, kỳ hoa tại thần tứ bạch, kỳ sung tại cơ, kỳ vị cam, kỳ sắc hoàng, thứ chí âm chi loại, thông ư thổ khí.

Dịch nghĩa:

– Hoàng Đế hỏi: Tạng khí biểu hiện ra bằng hình tượng như thế nào?

– Kỳ Bá đáp:

+ Tâm là cái gốc của sự sống, là lẽ biến của thần, hoa của nó ở mặt, sung của nó ở huyết mạch, nó thuộc thái dương trong dương thông với hạ khí.

+ Phế là cái gốc của khí, là nơi ở của phách, hoa của nó ở lông, sung ở bì, thuộc thái âm trong dương, thông với thu khí.

+ Thận là nơi chân khí nhất dương ẩn tàng, là cái gốc của bế tàng, là nơi của tinh khí, hoa ở tóc, sung ở cốt, thuộc thiếu âm trong âm, thông với đông khí.

+ Can là gốc của công tác lao động, là chỗ của hồn, hoa ở móng, sung ở cân, sinh ra huyết khí, vị của nó chua, sắc của nó là xanh, thuộc thiếu dương trong dương, thong với xuân khí.

+ Tỳ, Vỵ, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang là gốc của kho lúa gạo, là chỗ của doanh, gọi tên là Khí (dụng cụ để chứa), hoá được chất bã, chuyển hoá ngũ vị và chủ về xuất nhập, hoa ở vùng tứ bạch của môi, sung ở cơ, vị cam, sắc hoàng, thuộc vùng chí âm, thông với thổ khí.

=> Học thuyết Tạng Tượng là học thuyết dựa vào biểu lộ (tượng) mà người ta biết được chức năng tạng phủ (tạng) theo quy ước tương ứng. Quy ước này là kết quả từ các học thuyết căn bản: Âm Dương, Ngũ Hành, Thiên Nhân Hợp Nhất, Kinh Lạc.

 

CÁC HỌC THUYẾT ỨNG DỤNG VÀO HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG

THEO HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG

Mỗi tạng đều phân ra Dương – Âm, Khí – Huyết, Công dụng và Hình thể

DƯƠNG ÂM
Công dụng Hình thể
Khí Huyết
Vô hình Hữu hình

 

Ví dụ: Tạng Can chia ra Can dương (Can khí) và Can âm (Can huyết, Can hình)

+ Can dương (Can khí): là những chức năng vô hình của tạng Can (chủ động, chủ sinh ra cái mới, sơ tiết, tàng hồn, chủ mưu lự…)

+ Can âm (Can huyết, Can hình): là phần hữu hình của Can (mắt, bào cung, cân, móng…)

– Mối quan hệ âm dương trong một tạng: Là mối quan hệ phu thê, phần dương thực hiện công năng (dụng), phần âm là nền tảng (thể) để thực hiện công năng.

+ Thường gặp: Dương khí rối loạn trước sẽ làm Âm huyết thay đổi sau đó.

+ Khí Âm huyết tổn thương thì phần Dương khí sẽ mất công năng.

 

THEO HỌC THUYẾT THIÊN NHÂN HỢP NHẤT

Xác lập luật Đồng khí tương cầu, Đồng hình tương ứng.

Hiểu được quá trình “Thông-Cảm-Ứng” giữa Thiên-Địa và Tạng phủ trong Nhân thân.

=> Ngũ tạng tương ứng với Ngũ hành nên mỗi tạng dễ cảm ứng với hành nó thuộc vào. Ví dụ: Thận thuộc Thuỷ. Thận dễ cảm ứng với Hàn khí, thuỷ dịch, tàng… của Thuỷ.

Vấn đề khai khiếu:

Tố Vấn, thiên Âm dương ứng tượng đại luận viết: “Thanh dương xuất thượng khiếu” và “Thượng phối thiên dĩ dưỡng đầu”, phần tốt đẹp (thanh khí) của tạng xuất (trao) lên trên thượng khiếu để tham với thiên và cũng để đón nhận những điều tốt đẹp từ thiên để nuôi dưỡng tinh thần hướng thượng trong người. Ví dụ: Can khai khiếu ra mắt có 2 ý nghĩa:

+ Biểu hiện sự sinh động, sức sống của tạng Can và toàn cơ thể qua mắt

+ Nhìn thấy những điều tốt đẹp bên ngoài để học tập nuôi dưỡng tinh thần

 

THEO HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH

Ngũ tạng được quy nạp vào Ngũ Hành: Tạng sẽ mang đặc tính của hành tương ứng.

NGŨ HÀNH Mộc Hoả Thổ Kim Thuỷ
NGŨ TẠNG Can Tâm Tỳ Phế Thận
ĐẶC TÍNH Chủ động, Chủ sinh Chủ nhiệt, Toả sáng Chủ thấp, Nuôi dưỡng Chủ táo, Khuôn phép Chủ hàn, Chủ thuỷ
THIÊN KHÍ Phong Nhiệt Thấp Táo Hàn
QUÁ TRÌNH Sinh Trưởng Hoá Thu Tàng
THỂ Cân Mạch Nhục Bì mao Cốt
KHIẾU Mục Thiệt Khấu Tỵ Nhĩ
TẠNG Hồn Thần Ý Phách Chí
PHỦ Đởm Tiểu trường Vỵ Đại trường Bàng quang

 

Tương sinh trong ngũ tạng: Quy tắc đường chéo

Luật ‘Thái thiếu tương sinh’ và ‘Vật cùng tắc biến – Vật cực tắc phản’ -> Can âm sinh Tâm dương, Can dương sinh Tâm âm…

Tương khắc trong ngũ tạng: Khí khắc khí

Âm tại nội, dương chi thủ giả; dương tại ngoại, âm chi sứ giả -> Can khí khắc Tỳ khí, Tỳ khí khắc Thận khí…

THEO HỌC THUYẾT KINH LẠC

Hệ kinh lạc là con đường để tạng phủ liên lạc và thực hiện chức năng, đồng thời trao đổi với Thiên qua huyệt.

Kinh thực hiện chức năng của Tạng, Phủ mà nó mang tên. Kinh túc thái âm Tỳ thực hiện công năng của tạng Tỳ…

Các vùng liên quan với lộ trình đường kinh tương ứng

KINH VÙNG LIÊN QUAN
Túc quyết âm Can Góc ngoài móng ngón chân cái

Cẳng chân: đi phía sau kinh Thái âm, lên mép trong kheo chân, dọc theo mặt trong đùi, vòng quanh bộ phận sinh dục, lên đến thiếu phúc, đi theo với kinh Vị để thuộc vào Can và lạc với Đởm, xuyên qua hoành cách, bố tán ở cạnh hông sườn, dọc theo phía sau cổ họng, lên trên nhập vào vùng vòm họng, liên hệ với mục hệ rồi lên trên đến trán, xuất lên hội với Đốc mạch ở đỉnh đầu, xuống phía trong má, vòng quanh môi trong, xuyên qua hoành cách lên trên chú vào Phế

Thủ thiếu âm Tâm Khởi lên từ trong Tâm, xuất ra để thuộc vào tâm hệ, đi xuống dưới hoành cách, lạc với Tiểu trường, tựa vào yết, buộc vào mục hệ. Từ Tâm hệ đi trở lên Phế, xuất ra dưới nách, đi dọc theo mép sau cánh tay trong, trong khuỷu tay-cẳng tay, đi dọc theo bên trong ngón tay út, rồi xuất ra đầu ngón tay
Túc thái âm Tỳ Đầu ngón chân cái, đến mép trước của mắt cá trong, trong bắp chân, mép trong xương chày, mép trước của gối và đùi trong, nhập vào bụng và thuộc vào Tỳ, lạc với Vị, xuyên qua hoành cách, nép vào thực quản, nối liền với cuống lưỡi, tản ra dưới lưỡi, từ Vị xuyên qua hoành cách rồi rót vào giữa (dưới) Tâm
Thủ thái âm Phế Khởi lên ở Trung tiêu, đi xuống dưới “lạc” với Đại trường, tuần hành theo vị khẩu, lên trên đến “hoành cách” thuộc vào Phế. Từ Phế rẽ ngang xuất ra dưới hố nách, đi trong cánh tay, giữa khuỷu tay, trên xương quay của cẳng tay, nhập vào mạch Thốn khẩu, lên đến phần “ngư” của tay, tuần hành đến huyệt Ngư tế, xuất ra ở đầu ngón tay cái. Chi mạch của nó đi từ phía sau cổ tay (uyển) đi thẳng ra ở đầu ngón tay trỏ ở mép trong
Túc thiếu âm Thận Giữa ngón chân út, đi lệch hướng về giữa lòng bàn chân, đi dọc theo phía sau mắt cá trong, nhập vào giữa gót chân, đi lên đến bên trong bắp chuối, mép trong của khoeo chân, đi lên đến mép sau của đùi trong, xuyên qua cột sống để thuộc vào Thận và lạc với Bàng quang, lên trên xuyên qua Can, cách (mô), nhập vào giữa Phế, đi dọc theo cuống họng rồi vào cuống lưỡi. Chi mạch của nó đi từ Phế ra để lạc với Tâm, rót ra ở giữa ngực

 

CÁC THUẬT NGỮ HAY GẶP TRONG HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG

– Chủ (danh từ): người lãnh đạo, chịu trách nhiệm về một việc nào đó; (động từ) đóng vai chính -> toàn quyền quyết định.

– Tàng (động từ): tàng chứa, giữ lại, không cho mất đi

– Hợp (động từ): các vật gặp nhau chung nơi nào đó gọi là hợp

– Phô: bày ra, trưng bày, phô diễn

– Vinh (tĩnh từ): cây tươi tốt, người vẻ vang, hiện tượng nở tối đa của một bông hoa

– Nhuận: nhuần, thấm, hình ảnh ruộng đã cày bừa, phả nước vào vừa đủ ráo để chuẩn bị gieo: không quá ướt, không quá khô, không quá nóng, không quá lạnh, nơi lý tưởng để sự sống bắt đầu sinh ra và nuôi dưỡng sự sống

+ Phô vinh: trưng bày ra những cái tốt đẹp nhất

+ Vinh nhuận: biểu hiện ra vẻ tươi thắm, có sức sống

– Hoa: tốt đẹp, rực rỡ

– Sung: đầy đủ, tràn đầy

– Thông: hai vật, hai khí nối tiếp nhau không bị ngăn trở gọi là ‘Thông’

– Cảm: vạn vật trong trời đất, trong số đó có một hay nhiều vật ‘thông khí với nhau’. Sự thông được gọi là ‘Cảm’

– Ứng: nếu cảm là quá trình để hai khí thông nhau, thì Ứng là một tư thế chờ đón nhận để được thông nhau. Ứng là đóng nhận giữa hai khí: “Đồng khí tương cầu”. Khi nào đón nhận được mới gọi là ‘Ứng’, ngược lại thì sẽ ‘Bất ứng’

 

Tương tác facebook: Tại đây

Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.