Ngọc trúc
Tên tiếng Việt: Ngọc trúc
Tên khoa học: Polygonatum odoratum (Mill.) Druce – Convallaria odorata Mill. – Polygonatum officinale All.
Họ: Convallariaceae
Công dụng: Bổ, di tinh, họng khô, miệng khát, âm hư phát sốt, mắt đỏ sưng đau, phong thấp, đau lưng (Thân rễ).
1. Mô tả
- Cây thảo, sống nhiều năm, cao 40 – 60cm. Thân rễ mọc bò ngang, chia nhiều đốt, màu trắng hoặc vàng nhạt. Thân khí sinh thường đơn độc, màu trắng ở phía dưới. Lá mọc so le (thường hướng về một phía), không cuống, hình trứng, dài 6 – 12cm, rộng 3 – 6cm, gốc tròn, đầu nhọn, gân hình cung sít nhau, mặt trên màu lục, mặt dưới trắng nhạt.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn mang 2 hoa màu trắng, mọc thõng xuống; bao hoa hàn liền hình chuông, dài 1,5 – 2cm, gồm 3 lá đài, 3 cánh hoa, 6 nhị xếp thành 2 vòng, đính trên bao hoa, chỉ nhị ngắn, nhẵn, bao phấn hướng vào trong.
- Quả mọng, hình cầu, đường kính 5 – 7mm, khi chín màu tím đen; hạt 3-6, màu vàng có chấm.
- Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-9.
- Loài Disporopsis aspera (Hua) Engl. ex Krause (Ngọc trúc hoàng tinh) vẫn được khai thác, thu mua và sử dụng thay thế ngọc trúc ở nhiều nơi miền núi.
2. Phân bố, sinh thái
Có nguồn gốc ở Trung Quốc. Hiện nay, loại được liệu này chủ yếu do trồng trọt.
Ở Việt Nam, ngọc trúc cũng là cây trồng trong vườn của một số gia đình ở huyện Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu) và Đồng Văn (Hà Giang). Cây nhập trồng chưa rõ thời gian từ bao giờ. Theo một số gia đình người Hoa và người H’ Mông ở vùng Phó Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), ngọc trúc được lấy từ Vân Nam – Trung Quốc cách đây hàng chục năm. Cây trồng để làm thuốc trong phạm vi cộng đồng, chưa trở thành hàng hoá.
Đây là loài cây ưa ẩm và chịu bóng, thường mọc dưới tán của những cây ăn quả như đào, lê, mận… hoặc trồng thành luống ở vườn rau. Cây trồng ở các địa phương trên tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao (khoảng 1400 – 1600m). Nhiệt độ trung bình năm từ 14 đến 16°C, về mùa đông có thể có băng giá nhưng cây vẫn tồn tại được. Ngọc trúc ra hoa quả hàng năm. Cây con mọc từ hạt vào khoảng tháng 5-6. Cây có khả năng đẻ nhánh khoẻ từ phần thân rễ, thường mọc thành từng khóm lớn có nhiều nhánh.
Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) là nơi duy nhất ở Việt Nam đang giữ giống với mục đích bảo tồn lâu dài.
3. Cách trồng
Ngọc trúc được nhân giống bằng mầm của thân rễ. Thời vụ trồng chủ yếu là mùa xuân. Các mùa khác cũng trồng được trừ mùa đông giá lạnh.
Ngọc trúc ưa đất nhẹ. Đất được làm tươi xốp, để ải, lên thành luống cao 20 – 25 cm, rộng 78 – 80 cm. Mỗi hecta cần bón lót 10 -15 tấn phân chuồng (1 – 1,5 kg cho mỗi hốc). Mỗi hốc trồng một mầm với khoảng cách 30×30 cm. Có thể trồng theo cách lệch nanh sấu. Thời gian đầu, cần tưới đủ ẩm, làm cỏ khi cần. Cây đã lớn có khả năng lấn át cỏ dại.
Các năm sau vào mùa xuân, cây lại đâm chồi. Cần vun xới, làm cỏ kết hợp với bón thúc bằng phân chuồng, nước giải, nước phân . Ngọn trúc ít bị sâu bệnh. Thân rễ thu hoạch vào mùa đông.
4. Bộ phận dùng
Thân rễ thu hái vào mùa thu,, đào về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, đem phơi héo, hay đổ qua rồi lăn cho mềm, phơi khô. Ngọc trúc thường được chế biến như sau:
- Dạng thái phiến: Lấy dược liệu đã phơi khô thái phiến vát dài 3 – 5cm, dày 2 – 5cm.
- Dạng tẩm mật ong: Lấy ngọc trúc phiến tẩm đều với mật ong (cứ 10 kg ngọc trúc dùng 1-1,5 kg mật ong) trong 30 phút, rồi dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, thơm, sờ không dính tay là được.
- Dạng chưng: Ngọc trúc rửa sạch, đồ 6 – 8 giờ, ủ 1 ngày 1 đêm; tiếp tục làm như vậy 2 – 3 lần đến khi thuốc có màu đen, thái khúc dài 2 – 3cm.
- Dạng chế với rượu: (Ngọc trúc 10kg, rượu 1,5kg). Ngọc trúc rửa sạch, ủ mềm đủ 8 giờ cho mềm, thái khúc như trên, thêm rượu và chưng 4 giờ. Đựng dược liệu vào dụng cụ bằng đồng hoặc nhôm.
5. Thành phần hoá học
Theo tài liệu Trung Quốc, ngọc trúc chứa các glucosid convallamarin, convallarin, azetidin acid carboxylic, các flavonoid như vitextin, vitextin 2′ glucosid, saponarin acid cheliđonic, các chất vô cơ Ca, P, K, Mg, Mn, Si. (Trung dược từ hải I, 1331; CA 103, 1985, 102083s).
Ngoài ra, còn chất nhầy odoranan, polygonum ‘ fructan o, A B C D (Võ Văn Chi Từ điển cây thuốc Việt Nam 1999 – 845). Từ dịch chiết methanol của ngọc trúc đã loại chất béo; Zaneczko Z; Jansson p. E- Sendra J đã chiết được một hỗn hợp các saponin steroid polyfurosid (I) và sản phẩm thuỷ phân do men của nó là odosprosid. Cấu trúc của (I) được xác định như sau: (CA. 108, 128433J)
6. Tính vị, công năng
Ngọc trúc có vị ngọt, tính mát, vào 2 kinh phế và vị, có tác dụng tiêu đờm, nhuận táo, dưỡng âm, mát huyết, sinh tân dịch, trừ khát.
7. Công dụng
Ngọc trúc được dùng chữa ho khan, khô khát, sốt nóng âm ỉ về đêm, mồ hôi trộm hư lao, kém ăn, khó tiêu, đái nhắt, di tinh, thuốc bổ trong trường hợp suy nhược cơ thể, và thuốc phòng các bệnh ở phụ nữ sau khi đẻ.
Ngọc trúc còn dược dùng trong viên Lục vị hoàn gia giảm để chữa viêm chân răng có mủ, và trong Bổ phế thang gia giảm chữa ho ra đờm loãng có khi có máu. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
*Chú ý: Người dương suy âm thịnh, tỳ hư đờm thấp ứ trệ không dùng được.
8. Bài thuốc có ngọc trúc
- Chữa âm hư phát sốt, ho khan, miệng khô, họng ráo ra mồ hôi trộm, cơ thể suy nhược: (a) Ngọc trúc 16g; mạch môn, sa sâm, mỗi vị 12g; cam thảo dây 8g. sắc uống ngày một thang. (b) Ngọc trúc, sinh địa, mạch môn, sa sâm, mỗi vị 12g; đường phèn 20g. sắc uống ngày một thang, hoặc làm viên uống.
- Chữa lao phổi: (a) Ngọc trúc 16g; mạch môn, sa sâm, mỗi vị 12g; cam thảo dây 8g. sắc uống ngày một thang. (b) Ngọc trúc, sinh địa, mạch môn, sa sâm, mỗi vị 12g; đường phèn 20g. sắc uống ngày một thang, hoặc làm viên uống.
- Nguyệt hoa thang gia giảm: Ngọc trúc 8g; thiên môn, sinh địa, mạch môn, hoài sơn, phù bình, a giao, mỗi vị 12g; bách bộ, bối mẫu, bách hợp, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Bổ phế thang gia giảm: Ngọc trúc 12g; đảng sâm 16g; bạch truật, hoài sơn, mạch môn, bách bộ chế, mỗi vị 12g; ngũ vị tử 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm màng phổi do lao (Sa sâm mạch đông thang): Ngọc trúc 16g; sa sâm, mạch môn, bạch thược, địa cốt bì, mỗi vị 12g; ngân sài hồ 8g; trần bì, bối mẫu, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm khớp dạng thấp: Ngọc trúc 400g; đương quy 2000g; hoài sơn, hà thủ ô đỏ, đan sâm, mỗi vị 400g; đơn bì, bạch linh, mạch môn, trạch tả, mỗi vị 200g; thanh bì, chỉ thực, thù nhục, mỗi vị 100g. Các vị thuốc tán nhỏ, dùng mật ong hoặc sứô luyện thành viên 5g, ngày uống 4-6 viên.
- Chữa mắt đau đỏ, thấy hoa đèn, mù tối: Ngọc trúc 12g; sinh địa, huyền sâm, thảo quyết minh sao, cúc hoa, mỗi vị 10g; bạc hà 2g. sắc xông hơi và uống.
Nam Y Dược Phú Tuệ trên Facebook tại đây
Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.
Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây