Chúng tôi trích đăng Thiên thượng trong cuốn Cẩm nang (sổ tay) Trung y Chẩn trị Covid-19, để chúng ta rộng đường tham cứu và ứng dụng. Sách này đã được xuất bản trong tháng 2, cập nhật lần thứ 5, để làm kim chỉ nam cho Trung y dược toàn quốc ứng dụng phòng, trị dịch bệnh.
 
Theo công bố của TQ, Cẩm nang này đã được dịch ra tiếng Anh, Tây Ban Nha… và đem qua Ý, Iran… những nước đang nhận sự trợ giúp của TQ trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, TQ cũng đã sản xuất số lượng rất lớn 2 phương dược (1 phòng trị, 1 chủ trị thể trung bình – phổ biến/số đông) đem đến Ý, Iran…
Chúng tôi, thấy hoàn toàn phù hợp với Nam y, như các bài trước đã từng viết (và tất nhiên không nằm trong giáo trình căn bản của Trung y trước đây và ở Việt Nam). Ở phần Tổng luận, cung cấp cho chúng ta tương đối đầy đủ biểu chứng trên lâm sàng của các bệnh nhân Covid-19 tại Hồ Bắc. Đây là biểu chứng thực tế kinh nghiệm lâm sàng, không phải phỏng theo lí luận giáo trình Trung y dược đã có từ trước.

Điều khiến chúng tôi rất hài lòng là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nam y dược về ÔN DỊCH ĐỘC, họ cũng nhấn mạnh, lấy TRỊ ĐỘC làm đầu, làm căn bản và xuyên suốt, giống như tôi đã nêu vắn tắt lí luận của Nam y dược với bệnh dịch truyền nhiễm trước đây và trước khi có cuốn Cẩm nang Trung y dược Chẩn trị Covid-19 trong tay (hình). Điều này có nghĩa là, chúng ta hoàn toàn sử dụng được các phương dược kinh nghiệm của Nam y dược hàng ngàn năm qua để ứng dụng phòng trị Covid-19. Phần tiếp, tôi sẽ giới thiệu Thiên hạ – Chẩn trị.

Chúng tôi cũng rất tán đồng quan điểm của danh y Ngô Hựu Khả (người được nhắt đến rất nhiều trong Cẩm nang), chỉ cần dùng ĐỘC VỊ là đủ, không nên/cần phân chia quân, thần, tá, sứ (trừ khi có chứng hậu). Quan điểm này cũng hoàn toàn khớp với lí luận của Nam y dược từ thuở xưa. Nhưng 1 vị, thì dùng vị nào đạt đến độ trừ bệnh (trừ dịch độc)? Những vị thuốc có chứa thành phần kháng sinh, kháng khuẩn, giải độc cao mà không chứa chất độc có thể đủ sức và nên ưu tiên. Và tuỳ vào giai đoạn, cơ địa người bệnh, đường giải độc, địa khí vùng miền mà lựa chọn cho phù hợp. Thí dụ, tán độc bằng đường phát hãn, thì dùng các vị thanh nhiệt trừ độc thuộc nhóm giải biểu. Tán độc bằng đường phân, nước tiểu, thì dùng các vị thanh nhiệt trừ độc thuộc nhóm lợi niệu, tả hạ…

Tuy nhiên, theo ngu ý của tôi, nên dùng nhóm vài vị cùng công năng, tác dụng trừ ôn dịch độc, để chắc chắn và nhanh chóng đạt đến độ tiễu trừ dịch bệnh. Đồng thời, độc là virus, có khả năng lẩn trốn tốt và biến thể, thì nhóm vị thuốc vừa “đánh” sâu vào tận ngóc ngách ẩn nấp, vừa chặn đầu các biến thể vừa lường tránh nhờn/kháng thuốc (chủ yếu kháng thành phần kháng sinh trong vị thuốc, dù hiếm thấy). Lúc này, có thể phân chia vai trò vị thuốc thành quân, thần, tá, sứ để dụng dược phương dược được đắc hiệu. Và thực chất, hướng dẫn của Cẩm nang Trung y dùng cách này.

 

Trang bìa Cẩm nang Trung y dược Chẩn trị Covid-19

Nhà xuất bản: Trung y dược Trung Quốc (Bắc Kinh).

邮编:100176
传真:010-64405750
热线电话: 01089535836
维权打假: 01064405753 2020年2月第1版
ISBN 978-7-89461-114-7
Dựa theo bản dịch lưu hành nội bộ của Y Phú.
 

THIÊN THƯỢNG-TỔNG LUẬN

Theo yêu cầu của Ủy ban Vệ sinh Quốc gia, Cục quản lý Trung y dược Quốc gia, “đề nghị trong công tác cứu trị, tích cực phát huy tác dụng của Trung y dược, tăng cường kết hợp Trung- Tây y”. Viện Trung – Tây y kết hợp tỉnh Hồ Bắc và Trung y viện thành phố Vũ Hán thống kê 23 người bệnh được điều trị bằng Trung – Tây y kết hợp, thời gian điều trị 66 ngày đã khỏi bệnh và xuất viện. Những ngày gần đây, lại thêm nhiều người bệnh khỏi hẳn, xuất viện. Cho thấy dùng Trung y dược là chính trong kết hợp Trung – Tây y trị liệu và đã thu được hiệu quả. Vì vậy, Viện sĩ Trương Bá Lễ, thành viên Tổ chuyên gia Ban Chỉ đạo Trung Ương và Giáo sư Lưu Thanh Tuyền tập hợp dữ liệu các nơi trong nước, tổng kết được kinh nghiệm trị liệu Viêm phổi do virus corona chủng mới, chủ yếu ở Vũ Hán.
Tổng kết sơ bộ một số điểm trong kết hợp Trung – Tây y như sau:
– Với bệnh thể nhẹ: Cải thiện chứng trạng, rút ngắn liệu trình, nhanh khỏi bệnh.
– Với bệnh nhân thuộc thể nặng, rất nặng: Giúp giảm nhẹ sự xuất tiết ở Phổi, khống chế biến chứng viêm quá độ, phòng ngừa bệnh chuyển thành ác tính.
– Với bệnh nhân thời kỳ khôi phục: Giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.”
 

I. Đặc điểm của bệnh do ôn dịch theo Trung y

Trung y gọi tên ôn dịch để chỉ một loại bệnh tật có tính truyền nhiễm và lây lan mạnh. Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) thuộc phạm trù ôn dịch của Trung y, có thể được gọi là Phế dịch. Ngoài ra, bệnh danh của Trung y có mục đích chỉ đạo lâm sàng, xác định tư duy biện chứng và dụng phương dược. Các nghiên cứu được báo cáo thống nhất tên là Tân hình quan trạng bệnh độc phế viêm.
 
(Tên bệnh hiện tại trong tiếng Việt theo Chỉ thị phòng, chống dịch bệnh của Thủ tướng là Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới nCoV. Từ sau đây gọi tắt là bệnh Covid-19. Như vậy, Trung y đã lí luận để xác định lại 1 tên bệnh hoàn toàn mới do virus corona truyền nhiễm thuộc ÔN DỊCH, tấn công vào phế gây viêm, (trước đây thuộc ÔN BỆNH). Và có lẽ từ đây trở đi, Trung y sẽ hoàn thiện lí pháp để xếp tất cả các bệnh truyền nhiễm do virus trước đây thuộc ÔN BỆNH cùng vào phạm trù ÔN DỊCH, giống Nam Y ta).
 
Bệnh do ôn dịch theo Trung y có những đặc điểm sau

 

1. Có tính truyền nhiễm

 
Đặc điểm nổi bật nhất của dịch bệnh là tính truyền nhiễm mạnh. Con người một khi đã bị nhiễm một dịch tà bất kì, có thể truyền nhiễm người xung quanh, gây ra phát bệnh diện rộng. Y gia Bàng An Thời (đời Bắc Tống) viết trong sách Thương hàn tổng bệnh luận: Bệnh trời hành, tất sẽ truyền độc khí đi khắp nơi, đến từng tỉnh huyện, làng xã, rồi từng nhà. Danh y Lưu Hà Giang (đời Kim Nguyên) là người đầu tiên chính thức dùng 2 từ truyền nhiễm. Chu Dương Tuấn trong sách Ôn dịch thử dịch toàn thư viết: Một người nhiễm bệnh gọi là thấp độc, cả vùng nhiễm bệnh gọi là dịch lệ. Sách Chư bệnh nguyên hậu luận viết: Người cảm độc khí trái thường sinh bệnh, bệnh khí dễ dàng truyền nhiễm lẫn nhau, rồi đến chết hết gia đình, liên lụy đến cả người ngoài.
 
Ôn dịch là danh từ gọi chung cho hiện tượng bị nhiễm tà khí dịch lệ, mà phát sinh nhiều loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có đặc điểm phát bệnh dữ dội, bệnh tình hiểm ác, truyền nhiễm, lây lan mạnh. Tuỳ mức độ, tính chất của dịch mà có các trường hợp phát tán, lưu hành, đại lưu hành (đại dịch).
 

2. Có nguồn bệnh đặc biệt

 
Ôn dịch do độc khí trái thường gây nên, đại danh y Vương Lữ (đời Nguyên) cho rằng, ôn dịch là cảm nhiễm phải khí dị thường, ác độc của trời đất. Y gia chuyên bệnh truyền nhiễm Ngô Hựu Khả (đời Thanh) nhận xét: Bệnh ôn dịch không phải tứ thời ôn bệnh phong, hàn, thử, thấp, mà do cảm nhiễm một loại khí dị thường riêng biệt trong trời đất.
 

3. Dịch khí khác nhau, đặc tính mạnh yếu của virus khác nhau

 
Trung y gọi ôn dịch tà với các tên dịch khí, lệ khí, liệt khí, tạp khí. Tạp khí là loại vật chất cực nhỏ, giác quan con người không thể phát hiện được, được nhận xét: Không biết đến từ đâu, không nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ thấy được, đến lúc nào không biết, không phương cách nào để đối phó. Danh y Ngô Hựu Khả hiểu được lực gây bệnh của tạp khí rất mạnh, tính truyền nhiễm lớn, nên gọi tên dịch khí, lệ khí hoặc liệt khí. Sách Ôn dịch luận viết, dịch khí cũng là một loại tạp khí, nhưng nghiêm trọng hơn, gây bệnh xu hướng nặng. Dịch khí khởi phát dữ dội, biến hóa nhanh chóng, là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính có tỷ lệ tử vong cao.
 

4. Nguồn bệnh khác nhau sản sinh bệnh truyền nhiễm khác nhau

 
Có nhiều loại dịch khí, mỗi loại đều có thể gây ra một kiểu dịch bệnh với đặc thù nhất định, vị trí gây bệnh, diễn tiến bệnh, biểu hiện lâm sàng khác nhau. Do đó, Ngô Hựu viết trong Ôn dịch luận: Nếu bệnh thiên về một hướng, truyền đến nhiều nhà, mọi người đều biểu hiện bệnh giống nhau là khí thời hành, do tạp khí. Nếu muôn hình vạn trạng là bệnh khí khác nhau.
 

5. Ôn dịch truyền nhiễm thông qua không khí và tiếp xúc

 
Ôn dịch luận viết: Tà từ mũi, miệng vào. Bệnh tà xâm nhập có thể do thiên thụ, truyền nhiễm, tuy khác nhưng cùng bệnh. Thiên thụ chỉ sự truyền bệnh thông qua không khí trong tự nhiên, truyền nhiễm chỉ sự truyền bệnh thông qua tiếp xúc với người bệnh. Lý luận này mô tả con đường truyền nhiễm tương đồng với quan điểm của Y học hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với các biện pháp xử lí bệnh truyền nhiễm của hậu thế là cách li, dự phòng, tiêu độc khử trùng không khí.
 

6. Có quy luật lây lan và phát tán mạnh

 
Nhận thức về dịch bệnh, sách Ôn dịch luận viết: Có 5 dịch khí thịnh hành, người người đều bị bệnh nặng, truyền nhiễm mạnh mẽ, ai cũng biết gọi là dịch bệnh. Ngô Hựu Khả viết về sự lan truyền: Có lúc trong thôn xóm chi 1 – 2 người bị bệnh, tuy thuộc nhóm riêng biệt nhưng kiểm tra các chứng trạng phù hợp với bệnh mà nhóm người ở qúa khứ từng bị, mọi chi tiết đều tương đồng. Kiến giải này có ích cho việc chẩn đoán bệnh truyền nhiễm.
 
Y gia Dương Lịch Sơn đời Thanh tiến thêm một bước lí luận, cho rằng, bệnh truyền nhiễm có đặc điểm tập trung trong gia tộc: Một người nhiễm bệnh khí sẽ phát tán khắp nhà… làm cả nhà bị một bệnh.
 

7. Dịch bệnh lây lan mạnh ở nơi có mật độ dân cư dày đặc là chính

 
Vương Học Quyền viết trong sách Trùng Khánh đường tùy bút: Dịch bệnh lưu hành tất sẽ tập trung ở những khu vực đô hội, nơi người đông đúc. Còn những nơi núi non xa xóm làng, đất rộng người thưa không xảy ra dịch bệnh.
 

8. Dịch bệnh lây lan có chứng trạng tương tự nhau

 
Nội Kinh viết: Ngũ dịch chi chí, giai tương nhiễm dị, vô vấn đại tiểu, bệnh trạng tương tự. Tức khi có dịch bệnh, sự truyền nhiễm dễ xảy ra, gây bệnh với chứng trạng giống nhau, dịch bệnh lớn hay nhỏ đều vậy.
 

9. Xâm nhập vào cơ quan nhất định và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan (tạng khí) khác

 
Sách Ôn dịch luận viết: Khi một loại bệnh khí truyền nhập một tạng phủ, kinh lạc nào đó, chuyên phát thành một loại bệnh. Dương Lịch Sơn nhận xét: Ôn dịch khác với tứ thời ôn bệnh, ôn dịch là bệnh tạp khí, dịch tà nhiều loại nhiều dạng xâm lộng tạng phủ, tổ chức nhất định gây nên một loại dịch bệnh. Do đó, tùy bệnh khí mà phát loại dịch bệnh. Lí luận này phù hợp với quan điểm của Y học hiện đại cho rằng, một bệnh nguyên nhất định sẽ xâm nhập một tổ chức, cơ quan nhất định trước. Hoặc cho rằng, lịch sử các bệnh truyền nhiễm trên thế giới đều có sự xâm nhập của bệnh nguyên ở một cơ quan chủ đạo, sau đó, tùy sự phát triển của bệnh tật, thời kì bệnh nghiêm trọng dễ phát sinh tổn thương ở nhiều cơ quan (tạng khí), tổ chức khác như phổi, tim, gan, thận.
 

10. Có thể có thời kỳ ủ bệnh

 
Ngô Hựu Khả viết: Nhiễm độc tà vào sâu, bệnh phát ngay. Cảm bệnh tà nông không thắng được chính khí nên chưa thể phát bệnh, có thể phải dần dần theo thời gian mới phát bệnh.
 

11. 3 điều kiện chính: Nguồn truyền nhiễm, đường truyền nhiễm, nhóm người dễ cảm nhiễm

 
Sách Ôn dịch luận phân loại 3 tình huống dịch bệnh là thịnh hành, suy thiểu và bất hành trên cơ sở độc tính bệnh nguyên mạnh hay yếu là nguyên nhân chủ yếu tạo thành mức độ lưu hành dịch bệnh. Mà sự tập trung độc khí ở con người dày mỏng khác nhau, cho thấy người bị nhiễm bệnh hay không liên quan đến thể chất cơ thể mạnh hay yếu, nên nói “hư xử thu tà”.
 
Tóm lại, căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, bệnh Viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới được xếp vào phạm trù Ôn dịch. Căn cứ vào vị trí phát bệnh trên cơ thể, đặc điểm phát bệnh, gọi là Phế dịch. Lịch sử Trung y học với các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đều căn cứ vào bệnh nguyên và đặc điểm phát bệnh mà gọi tên. Dựa vào những hiểu biết mới mà tìm ra quy luật bệnh tật và hệ thống luận trị phong phú. Ngô Hựu Khả viết: Tạp khí của trời đất có nhiều loại khác nhau, khí này tất sẽ tạo nên bệnh này, tùy mỗi khí tạo nên loại bệnh. Tạp khí gây bệnh, mỗi khí tạo thành một bệnh. Vì vậy, theo lí luận trong Ôn dịch luận, có các bệnh danh hà mô ôn, qua nhương ôn, ngật đáp ôn. Cho thấy, nhận thức sơ bộ, các bệnh nguyên khác nhau sẽ gây ra các bệnh truyền nhiễm khác nhau.
Ngày nay, sau 300 năm với những tiến bộ khoa học, xã hội, chúng ta đã kiểm chứng được điều đó, căn cứ vào loại bệnh mới, xác định bệnh danh mới. Như Y học hiện đại năm 2003, đề xuất tên gọi bệnh viêm phổi không điển hình, mang tính chuyển tiếp. Viêm phổi không điển hình chỉ các loại bệnh viêm phổi do một chủng loại bệnh nguyên nào đó chưa biết rõ, bao gồm virus, Mycoplasma, Chlamydia, Legionella. Năm 2003, bệnh viêm phổi không điển hình do virus Corona SARS (SARS-CoV) gây ra là loại bệnh viêm phổi đặc thù có tính truyền nhiễm rõ rệt, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là chứng viêm đường hô hấp cấp tính nghiêm trọng (severe acute respiratory syndrome, SARS). Sở dĩ bệnh danh mới được xác lập là nhờ vào nhận thức tiến bộ, nhu cầu chẩn đoán trị liệu và nghiên cứu của Trung y học.
 

II. Nguyên nhân gây bệnh

1. Khí ôn dịch truyền nhiễm

 
Do cảm nhiễm một loại bệnh nguyên đặc thù, không phải những yếu tố tà khí thuộc ngoại nhân lục dâm phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả (ở đây, họ kết luận nguyên nhân đã khác hd của BYT ta hoàn toàn, của ta kết luận covid-19 thuộc cảm mạo ôn dịch – ngoại nhân).
 

2. Năng lực kháng bệnh của cơ thể suy giảm

 
Trong thời kì dịch bệnh lưu hành, người phát bệnh, người không chủ yếu phụ thuộc vào thể chất và chính khí của cơ thể mạnh hay yếu. Ngô Hựu Khả viết: Chính khí cơ thể sung mãn, tà không dễ xâm nhập, chính khí cơ thể nhất thời suy giảm, ngoại tà thừa cơ xâm nhập qua đường hô hấp. Ông còn cho rằng: Chính khí hơi suy giảm, tiếp xúc vào sẽ bị bệnh ngay lập tức. Điều này cho thấy, năng lực kháng bệnh tự thân quyết định trọng yếu đến phát bệnh hay không.
 

III. Bệnh tính theo Trung y

Bệnh cơ là nhận thức có tính khái quát của Trung y với cơ chế bệnh biến của bệnh tật. Bệnh tính (tính chất bệnh) là kết quả biến chứng của bệnh tật.
 
Căn cứ vào biểu hiện phát bệnh của bệnh COVID-19. Bệnh cơ được khái quát: Là dịch độc bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, phế kinh nhiễm tà, chính khí khuy hư.
 
Bệnh tính (tính chất bệnh lí): Liên quan đến thấp, nhiệt, độc, hư, ứ.
 
– Thấp: Thấp tà gây bệnh, có thể do ngoại cảm, nội sinh hay do quá trình can thiệp mà trợ thấp. Thấp tà dễ cản trở lấn át, làm cho khí cơ thăng giáng thất thường, có thể gây ra các biểu hiện tức ngực, tức bụng, đại tiện lỏng, tiêu chảy, rêu lưỡi dày, bẩn.
 
– Nhiệt: Quá trình gây bệnh COVID-19 đặc trưng chủ yếu là sốt, có tính chất bệnh ôn nhiệt, đồng thời, nhiệt tà thiêu đốt gây hiện tượng dương nhiệt và nhiệt tính thăng tán gây biểu hiện hao khí thương tân (của ta chỉ lấy chỗ này làm căn bản thôi – thực chất thì đây chỉ là 1 chứng trong Covid-19 của Trung y).
 
– Độc: Phương diện dịch độc là yếu tố vật chất gây bệnh đặc thù, theo tà khí xâm nhập vào, phát bệnh đột ngột, truyền nhiễm, lây lan nhanh chóng, rất dễ dẫn đến suyễn súc quyết thoát. Phương diện tà thịnh độc ủ, xâm nhập đầy tạng phủ làm mất chức năng điều hoà trầm trọng, thậm chí tổn hại tạng phủ (thực thể). Độc tà trong và ngoài tương hỗ cùng phát tác ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tiên lượng bệnh tật (Đây là điểm chính trong quá trình thực hành điều trị Covid-19 của Trung y).
 
– Hư: Chính khí hư. Thời kì sơ khởi hầu hết do chính khí hư. Nội kinh viết: Nếu chính khí không hư, thì tà không thể đơn độc làm tổn thương đến cơ thể. Sau phát bệnh, chính khí theo hướng mạnh dần lên, tiên lượng bệnh tật tốt. Ngược lại, tiên lượng bệnh xấu.
 
Căn cứ vào các ca bệnh tử vong thấy, đa số ở người bị bệnh kéo dài hoặc người già (chính khí đã khuy hư). Mặt khác, bệnh tà ở bên trong làm cho khí huyết, tân dịch bị hao tổn, dễ dẫn đến chứng hư (Điểm này là biến chứng nặng và dễ diễn tiến đến rất nặng).
 
– Ứ: Dịch độc ủng kết, huyết nhiệt bị chưng nấu thành ứ. Vương Thanh Nhậm viết trong Y lâm cải thác: Huyết bị thiêu luyện thì sẽ ngưng kết. Hà Liêm Thần viết trong Trọng đính quảng ôn nhiệt luận: Thanh hỏa phải kiêm thông ứ, vì phục hỏa uất chưng huyết dịch, huyết bị chưng nấu thành ứ. Tà nhiệt thiêu đốt làm thương tổn âm dịch. Âm dịch không đầy đủ làm cho huyết dịch bị cô đặc mà vận hành trì trệ, tạo thành chứng ứ như Chu Học Hải viết: Tân dịch treo trên ngọn lửa cháy, thì huyết hành càng trệ.
 
Những biểu hiện trong quá trình phát bệnh COVID-19 như, vi tuần hoàn bị trở trệ và bệnh biến ở các mô trung gian tại phối đều là biểu hiện của ứ.
 
Thấp, nhiệt, độc, ứ đều là thực tà, có thể cùng lúc gây bệnh hoặc ở giai đoạn khác nhau làm cho bệnh lí nặng lên. Hư là chính khí hư, “tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư”. Trên lâm sàng cần nắm vững bệnh cơ, trạng thái và diễn biến đấu tranh giữa chính khí và bệnh tà, để có sự can thiệp thích hợp.

Nam Y dược Phú Tuệ ngoài hệ thống Phòng khám Chuyên khoa YHCT, còn chuyên nuôi trồng, thu hái, nhập khẩu, sơ/bào chế, sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc Nam, vị thuốc YHCT, chế phẩm, thành phẩm, thuốc YHCT các dạng cao, đơn, hoàn, tán, nang, nén. Bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng tốt, an toàn, đạt chuẩn TCVN, GMP – WHO, bào chế đúng phép theo Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Quý vị có nhu cầu khám chữa bệnh, mua thuốc, vui lòng liên hệ theo thông tin đăng tải tại Website hoặc/và Tổng đài y khoa/Zalo: 09.115.51.115. Quan tâm Zalo OA tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.